Thành phố phía Đông: Bước đột phá mới của TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ý tưởng thành lập Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, hay còn gọi là Thành phố phía Đông, được lãnh đạo TP.HCM ấp ủ từ lâu. Trong tương lại, đây sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế Thành phố nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Mới đây, Sở Nội vụ TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ để thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở gộp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Dự kiến sau khi thành lập, thành phố phía Đông có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.

Trước khi đi đến quyết định trên, TP.HCM đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi ý tưởng quy hoạch quốc tế nhằm cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch, xây dựng.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, ý tưởng xây dựng khu Đông trở thành một khu đô thị sáng tạo, dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu Công nghệ cao (Quận 9), Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) luôn thôi thúc các thế hệ lãnh đạo. Trong đó, Khu Đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và viện nghiên cứu. Khu Công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 rộng khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao. Riêng trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha từng bước được hình thành. Đó là chưa kể, khu Đông TP.HCM còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất như Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Đặc biệt, mới đây UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ cập nhật lồng ghép nội dung thành lập thành phố phía Đông trong phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.

Thành phố yêu cầu việc lồng ghép phải có căn cứ, lý giải thuyết phục về tính hiệu quả của việc sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố trực thuộc thay vì thành một quận. Sau khi hình thành, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ kết nối 3 khu chức năng gồm: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Để hiện thực hóa vấn đề này, TP.HCM sẽ hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp - viện trường - Nhà nước đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế, đô thị và xã hội. Chưa hết, nhiều cơ chế, chính sách phù hợp cũng được xây dựng để thu hút thêm nhiều nguồn lực và vốn từ xã hội, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho các hợp phần thuộc các dự án của thành phố phía Đông.

Việc thành lập một mô hình đô thị trong đô thị xuất phát từ quy mô dân số của Thành phố cứ sau 5 năm lại tăng thêm 1 triệu dân, gây áp lực lớn về công ăn việc làm. Nếu không có cơ chế đặc thù để tháo gỡ, nền kinh tế của TP.HCM sẽ không chịu nổi sức ép cơ chế. Bằng việc cho ra đời “đứa con” mới này, dựa trên những nền tảng trụ cột có sẵn, TP.HCM hy vọng sẽ tạo ra một vùng hạt nhân sản sinh ra các giá trị mới thúc đẩy cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất về thành lập thành phố phía Đông vẫn còn nhiều việc phải làm, trong khi vẫn chưa đủ điều kiện phù hợp cả về quy hoạch, lẫn chương trình phát triển đô thị và các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, UBND TP.HCM cần kiến nghị với trung ương để tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% giai đoạn 2018 - 2020 lên 24% giai đoạn tiếp theo và mức 33% cho giai đoạn 2026 - 2030. Bởi, chỉ với quy mô vốn này, mới bảo đảm cho giai đoạn phát triển đô thị thông minh của TP.HCM hiện nay, trong đó có định hướng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

So sánh với các hướng phát triển khác, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.  Bước đột phá mới của thành phố phía Đông sẽ là lực đẩy để TP.HCM phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chuyên đề