Một số doanh nghiệp huy động vốn thành công qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Ảnh minh họa: SL |
Dòng tiền chảy mạnh
Sau khi chạm đáy vào cuối tháng 4/2023, thanh khoản của TTCK bắt đầu tăng trở lại, cùng với nhịp phục hồi của chỉ số. Từ tháng 6/2023 thị trường đã bắt đầu ghi nhận sự trở lại của các phiên giao dịch tỷ USD.
Đà tăng của thị trường không chỉ tập trung vào một số phiên giao dịch đột biến. Quy mô giao dịch bình quân phiên trong 4 tháng gần đây đã tăng liên tục. Theo thống kê giao dịch khớp lệnh trên HOSE cho thấy, tháng 3/2023, quy mô giao dịch đạt 181.659,4 tỷ đồng, tương đương bình quân mỗi phiên đạt hơn 7.898 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 20% lên hơn 9.760 tỷ đồng trong tháng 4. Trong tháng 6 và 7, quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên của HOSE lên tới 15.105 tỷ đồng và 16.620 tỷ đồng, gấp đôi so với tháng 3/2023.
Cùng với đó, số lượng tài khoản giao dịch mở mới cũng tăng trở lại. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 151 nghìn tài khoản chứng khoán trong tháng 7, tăng 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản) và đây là mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm qua.
Dòng tiền quay trở lại thị trường trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có động thái hạ nhiệt lãi suất. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank đều là 5,8%/năm. Tại Agribank, lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng trở đi chỉ còn 5,5%/năm, giảm 0,5% so với trước.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động giảm làm dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm. Trong các kênh đầu tư chính, thị trường bất động sản vẫn rất trầm lắng và chưa rõ tín hiệu khởi sắc. Vàng, ngoại tệ không phải là kênh dễ đầu tư. Đầu tư chứng khoán đang là kênh phổ thông nhất, dễ mua, dễ bán, lại có nhiều cơ hội do giá nhiều mã cổ phiếu giảm mạnh. Dòng tiền chọn chảy vào chứng khoán là dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.
Cơ hội huy động vốn
TTCK sôi động tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp huy động vốn thành công qua hình thức phát hành riêng lẻ. Chẳng hạn, Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt bán thành công 39.750.000 cổ phiếu; Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP. HCM bán thành công 1.000.000 cổ phiếu; Công ty CP Xây dựng số 9 bán được 5.000.000 cổ phiếu; Công ty CP Cảng Đoạn Xá bán hết 25.000.000 cổ phiếu… Số tiền thu được từ phát hành riêng lẻ là tiền thực, bổ sung vào vốn chủ sở hữu cho các công ty.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định, TTCK sôi động với thanh khoản cao là một cơ hội cho các doanh nghiệp huy động vốn qua kênh cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh các kênh khác như trái phiếu, tín dụng khó tiếp cận. “Nhà đầu tư chứng khoán năng động hơn và có khả năng chịu rủi ro cao hơn, nên nếu doanh nghiệp chào bán chứng khoán với mức định giá phù hợp thì họ có thể xuống tiền. Thị trường như lúc này là một cơ hội doanh nghiệp nên tận dụng”, ông Độ phân tích.
Nắm bắt cơ hội thị trường, mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh ban hành Nghị quyết thông qua điều chỉnh thứ tự thực hiện các phương án phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 ngày 19/5/2023. Theo đó, Đất Xanh sẽ triển khai thực hiện đợt chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu trước, sau đó mới triển khai hai đợt phát hành ESOP và chào bán riêng lẻ.
Theo phương án phát hành đã thông qua, Đất Xanh sẽ chào bán gần 102 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 16,67% trên số cổ phiếu đang lưu hành cho các cổ đông hiện hữu. Phương thức chào bán là thực hiện quyền mua theo tỷ lệ 6:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được 1 quyền mua, cứ 6 quyền mua sẽ được mua 1 cổ phiếu mới.
Hội đồng Quản trị Công ty CP Container Việt Nam (Viconship) vào giữa tháng 8/2023 cũng đã có Nghị quyết sửa đổi bổ sung việc triển khai chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu thông qua ngày 14/6/2023. Theo đó, Công ty dự kiến chào bán tối đa hơn 133,396 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Nếu thành công, Viconship sẽ thu về hơn 1.333,96 tỷ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa cũng vừa có tờ trình Đại hội đồng cổ đông về việc hủy bỏ phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ thành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và dự kiến thu về hơn 354 tỷ đồng.