Ảnh minh họa. |
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo”; trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 5531/SXD-QH ngày 30/7/2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp:
Rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn theo nhiệm vụ, chức năng quản lý để kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi (báo cáo UBND tỉnh nếu vượt thẩm quyền). Trường hợp cần thiết điều chỉnh quy hoạch thì xác định loại hình điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Bên cạnh đó, phải rà soát đối với các dự án đầu tư đã được UBND cấp huyện chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”; Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch được duyệt và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định;
Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị. Thực hiện nghiêm Kế hoạch triển khai lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2022 tại Quyết định số 105/KH-UBND ngày 12/4/2022; Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị.
Ngoài ra, cũng cần kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 04/6/2021 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Thực hiện nghiêm việc báo cáo theo yêu cầu và chấp hành việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp theo nhiệm vụ, chức năng quản lý thực hiện rà soát các dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”; Tham mưu việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị.
Mới đây, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 11-13/7/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực (ngày 1/7/2014) đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.617 dự án được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 7.863,82 ha. Trong đó, có 1.195 dự án được cho thuê đất với diện tích 3.601,37 ha; 105 dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất, diện tích 823,69 ha; 317 dự án được giao đất không thu tiền sử dụng đất, diện tích 3.438,76 ha.
Sau khi được giao đất, cho thuê đất, các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai đầu tư dự án. Kết quả, có 1.102 dự án chiếm khoảng 68,15% đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; 208 dự án chiếm 12,86% đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; 247 dự án chiếm 15,28% thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013; 60 dự án thuê đất chiếm 3,71% đã đầu tư chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng thông tin, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.