Tham vọng lớn từ chuyển đổi số trong doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021 - 2025. Đây là chương trình vô cùng cần thiết, cấp bách nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho cả nền kinh tế, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Tới năm 2025, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số. Ảnh: Lê Tiên
Tới năm 2025, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số. Ảnh: Lê Tiên

Cấp bách chuyển đổi số

CĐS trong DN là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. Các hoạt động CĐS có thể bao gồm việc số hóa dữ liệu, quản lý, kinh doanh của DN, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong DN cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho DN.

Tại Lễ công bố Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, CĐS là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia. Những nước đang phát triển như Việt Nam muốn trỗi dậy để phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa trên CĐS, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. “Đây cũng là con đường hiệu quả nhất, ngắn nhất và nhanh nhất để giúp DN Việt Nam có thể bắt kịp và vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người. Những sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ làm xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới, các mô hình kinh doanh mới, buộc các DN phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Vì thế, CĐS trong DN là xu hướng tất yếu để DN phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng tốc và bứt phá.

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh này, các DN nhỏ và vừa cần được trang bị những công cụ hiệu quả về CĐS để ngày càng đáp ứng tốt hơn với những nhu cầu của khách hàng, tham gia sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu. “CĐS sẽ là chìa khóa để duy trì cạnh tranh và giúp doanh nghiệp thành công, phát triển bền vững”, bà Yastishock nhìn nhận.

Đánh giá cao tầm quan trọng của Chương trình, ông Nguyễn Việt Long, chuyên gia tư vấn về CĐS cho rằng: “Do lực đẩy về công nghệ số và sức kéo của thị trường người tiêu dùng số, lợi thế cạnh tranh của DN sẽ chuyển dịch, do đó, CĐS là một cơ hội để các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực, hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng”.

Hướng tới chuyển đổi số cho 800.000 doanh nghiệp

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Chương trình sẽ hỗ trợ các DN với 4 nội dung chính. Trước hết là nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của DN về CĐS. Hai là số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng… Ba là số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá… Bốn là CĐS toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN.

Trong giai đoạn đầu, Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ tối thiểu 100 DN trong một số ngành, lĩnh vực như: cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm… CĐS thành công làm mô hình để lan tỏa và nhân rộng. Bên cạnh đó, 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tới năm 2025, tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho DN, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Về việc thí điểm 100 DN được hỗ trợ để CĐS thành công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, tham vọng khi xây dựng Chương trình lớn hơn rất nhiều, không chỉ là 100 DN; không chỉ hướng tới 100 tổ chức, cá nhân tư vấn; không chỉ hướng tới tối thiểu 100.000 DN được tiếp cận hỗ trợ CĐS…, mà là 800.000 DN Việt Nam được tiếp cận hỗ trợ CĐS nhanh nhất. Tuy nhiên, hiện chúng ta còn có một số thách thức về nguồn lực; độ sẵn sàng hay nhận thức của DN về CĐS còn hạn chế… “Với những thách thức đó, Chương trình đã xây dựng mục tiêu khiêm tốn với sự hỗ trợ của USAID”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu đặt ra giai đoạn đầu có thể khiêm tốn nhưng khi những mục tiêu này đạt được, chúng ta có thể nhân rộng thành công để đạt được những mục tiêu lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo. Mỗi sự thay đổi nhỏ sẽ tạo thêm giá trị cho nền kinh tế, từ đó góp phần thay đổi cả nền kinh tế.

Chuyên đề