Thách thức đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lạm phát cao kỷ lục tại hầu hết các quốc gia trên thế giới có thể tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN dệt may cũng đang chịu ảnh hưởng khi lạm phát gia tăng ở nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN dệt may cũng đang chịu ảnh hưởng khi lạm phát gia tăng ở nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đơn đặt hàng giảm

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ: “Đơn đặt hàng với các DN đang chậm hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình chưa quá bi quan. Với tốc độ này, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành gỗ năm 2022 vẫn có thể đạt 16 - 17 tỷ USD”. Nguyên nhân dẫn đến tình hình đơn đặt hàng suy giảm, theo ông Phương, chủ yếu là do lạm phát cao của một số thị trường xuất khẩu chủ lực khiến sức mua yếu đi. Mặt khác là do tác động của Covid-19, một số nhà mua hàng vỡ kế hoạch, dẫn đến tồn kho, buộc phải tái cấu trúc và giảm sức mua.

Cũng theo ông Phương, đến thời điểm này, mặc dù chi phí logistics đã hạ nhiệt so với 2 năm trước, song giá dịch vụ này vẫn còn cao. Đây cũng là thách thức lớn đối với các DN.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ (VIFOREST, FPA Bình Định, BIFA, HAWA, DOWA) và Forest Trends cho thấy, trong tổng số 52 DN tham gia khảo sát trong những tháng đầu năm 2022, có tới 33 DN có doanh thu từ thị trường Mỹ giảm (trung bình 39,6%); 19 DN xuất khẩu sang thị trường EU cũng bị sụt giảm doanh thu (trung bình 42,2%).

Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN dệt may cũng đang chịu ảnh hưởng khi lạm phát gia tăng ở nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện một DN xuất khẩu dệt may lớn không khỏi lo ngại khi đơn hàng giảm so với đầu năm. “DN đang phải cho người lao động nghỉ luân phiên hoặc đi du lịch vì đơn hàng sụt giảm”, đại diện DN cho biết.

Trước đó, nhận định về hoạt động xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm 2022, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, DN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do sức ép lạm phát, xung đột quân sự tại Ukraine vẫn chưa có hồi kết… gây khó khăn trong việc cung ứng nguyên, phụ liệu cũng như tiêu thụ sản phẩm dệt may.

Về phía DN xi măng, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, DN đang phải đối mặt với giá đầu vào sản xuất (than, dầu…) tăng cao, trong khi nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính đều sụt giảm.

Chặn đà thế nào?

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố bất định, trong đó khó khăn, thách thức là rất lớn, có thể tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam. Thách thức cụ thể là lạm phát cao ở nhiều nước; đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại chậm lại; đồng USD tăng giá gây tác động bất lợi do Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu…

Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vừa diễn ra, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn cho hay, 8 tháng đầu năm, Tập đoàn hoàn thành trên 70% kế hoạch doanh thu năm, tăng trưởng trên 20% so với 2021… Theo ông Hiếu, đây là kết quả khả quan, nhưng với những biến động đảo chiều liên tục của thị trường bông, lạm phát cao và tình hình thế giới có nhiều yếu tố bất định, cần thận trọng, dự báo sát thị trường và có giải pháp tối ưu để giữ được thành quả này.

Trên cơ sở đó, Vinatex đưa ra một loạt giải pháp duy trì đà tăng trưởng như: quản trị chặt chẽ chi phí, tiết kiệm tối đa ở tất cả các khâu; kiểm soát tài chính, dòng tiền thông suốt, có số liệu sớm để có thể thực hiện hỗ trợ nội bộ cho các đơn vị gặp khó khăn; triệt để số hóa dữ liệu chung, đặc biệt là dữ liệu tồn kho, nhằm giảm tồn kho chung toàn Tập đoàn…

Về phía DN gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, lâu nay, DN xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường chủ lực nên mỗi khi các thị trường này có biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay lập tức bị ảnh hưởng . Do đó, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh hàng hóa.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết sẽ phối hợp với địa phương theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và một số địa bàn trọng điểm để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là vấn đề nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung hỗ trợ DN khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu…

Chuyên đề