Tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tại Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu, đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia. Để đạt mục tiêu này, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về pháp lý, hạ tầng, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển bền vững.

Doanh thu bình quân của một hợp tác xã thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Ảnh: Tường Lâm
Doanh thu bình quân của một hợp tác xã thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Ảnh: Tường Lâm

Tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề: “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có chuyển biến mạnh mẽ, phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng. Ước tính đến cuối năm 2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác, 26.112 HTX và 100 liên hiệp HTX, thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của một HTX thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng, tăng khoảng 116% so với năm 2011... Việt Nam đã có một số HTX quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành, có doanh thu trên 100 tỷ đồng như HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, Saigon Co.op... thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.

Tuy nhiên, kinh tế tập thể vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như số lượng HTX được hỗ trợ theo cơ chế chính sách chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và vay vốn tín dụng của đa số các HTX gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, các HTX chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn. Một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển như lâm nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản… nhưng số lượng HTX còn ít; năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh. Còn nhiều HTX yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, chưa có giải pháp để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục. Kinh tế tập thể phát triển chưa tương xứng tiềm năng, tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ lệ đóng góp vào GDP thấp (khoảng 4% GDP); phần lớn HTX quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, chất lượng sản phẩm kém.

Mặt khác, rất ít HTX làm được đầy đủ các chức năng từ cung cấp dịch vụ đầu vào đến hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống, vật tư, tổ chức sản xuất cho các thành viên... Nhiều HTX vẫn hoạt động hình thức, mới chỉ làm được một số khâu dịch vụ đơn giản; phát triển HTX chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các địa phương; gắn kết lợi ích giữa các thành viên chưa cao, sự liên kết còn lỏng lẻo. Việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào HTX còn hạn chế.

Hoạt động của HTX cò nhiều hạn chế nhiều nguyên nhân, đó là triển khai các chính sách pháp luật chậm trễ, thiếu các cơ chế hỗ trợ. HTX cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Đồng thời, việc tiếp cận chính sách của HTX còn khó khăn vì vướng thủ tục, thiếu nguồn lực. Sự vào cuộc của cấp uỷ Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Năng lực quản lý, quản trị HTX từ đầu tư đến xây dựng, phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, gắn với an sinh xã hội. Do đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh về pháp lý, hạ tầng, nhân lực để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành phải phối hợp rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, thuế để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho HTX, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phải quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ vùng trồng, các điều kiện nhập khẩu sang thị trường đã chấp nhận. Nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư vào chế biến nâng cao giá trị của sản phẩm, triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX đã ban hành…

Chuyên đề