Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2020: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sáng 11/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu khai mạc Diễn đàn

Đây là Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được tổ chức với quy mô khoảng 500 đại biểu tham dự là đại diện đến từ các bộ, ngành, hiệp hội Trung ương, chính quyền địa phương, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, các tổ chức quốc tế và các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác.

Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta. Từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành, tư duy về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác” đã bước đầu thành công, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường. Thời gian vừa qua, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính đến 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã (trong đó có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp, 8.650 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,133 triệu người.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện qua hai kênh: Đóng góp trực tiếp của khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên tổ hợp tác - là xu hướng mới phát triển nổi bật của các hợp tác xã. Hợp tác xã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên hợp tác xã nông nghiệp như: giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên; góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số hợp tác xã có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng như Hợp tác xã Evergrowth (Sóc Trăng), Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (TP.HCM), Saigon Coop…, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào. Trong giai đoạn tới, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực kinh tế kinh tế tập thể, hợp tác xã cần có những chuyển biến quan trọng để thích ứng và phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia về nông nghiệp đều chung nhận định, thương mại thế giới đang có những thay đổi mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn rất khó đoán định. Xu hướng hội nhập, mở cửa đan xen với bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã, đang và còn tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Song cơ hội cho các hợp tác xã cũng rất nhiều nếu năng động và biết chớp thời cơ hành động. Các hợp tác xã cần phải có sự liên kết, hợp tác, cùng nhau phát triển, trong xây dựng và phát triển hợp tác xã thời kỳ mới, các hợp tác xã cần hợp tác, liên kết với nhau, liên kết giữa các thành viên trong từng hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của thành viên và nhân dân, tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chuyên đề