Tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay: Lựa chọn bắt buộc của nhiều ngân hàng

(BĐT) - Lãi suất huy động tiếp tục có đợt sóng tăng mới. Đây được cho là diễn biến phù hợp khi nhu cầu vốn trung và dài hạn của các ngân hàng tăng cao, đồng thời tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đáng chú ý, lãi suất cho vay vẫn đang được kiềm giữ để đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.
Các ngân hàng thương mại đang tìm cách đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và các quy định về hệ số an toàn vốn. Ảnh: Tường Lâm
Các ngân hàng thương mại đang tìm cách đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và các quy định về hệ số an toàn vốn. Ảnh: Tường Lâm

Cần vốn để đáp ứng các quy định

Từ ngày 5/7 đến hết ngày 5/10/2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai Chương trình “Kỳ hạn vàng tri ân khách hàng” dành cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền với lãi suất hấp dẫn.

Theo đó, trong thời gian triển khai chương trình, khách hàng mở mới sổ tiết kiệm bậc thang theo số tiền tại quầy giao dịch SHB trên toàn quốc với kỳ hạn 9 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 8,2%/năm. Đây là mức lãi suất tối đa ở kỳ hạn này, tùy thuộc vào đánh giá của từng chi nhánh, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm, hiện các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài. Nắm bắt xu hướng này, SHB triển khai chương trình huy động vốn với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng.

Tương tự SHB, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã thay đổi lãi suất huy động trong những ngày gần đây, chủ yếu là tăng từ 0,1 - 0,4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đầu tháng 7, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh lãi suất cao nhất lên 8% dành cho tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh lãi suất trước đó. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở ngân hàng này hiện ở mức trên 7%, trong khi tại một số ngân hàng có cùng quy mô vốn, lãi suất kỳ hạn 6 tháng dao động ở mức 6,4 - 6,7%.

Trong khi đó, 4 ngân hàng thương mại có cổ phần nhà nước chi phối là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức thấp 5,5% và lãi suất cao nhất chỉ ở mức 6,9%.

Phân tích về diễn biến này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nói: “Các ngân hàng thương mại đang phải tìm cách đáp ứng những quy định của NHNN về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR). Do đó, đây là làn sóng tăng huy động vốn trung và dài hạn lần thứ hai trong năm nay cùng với việc tăng huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu. Mặt khác, một số ngân hàng muốn có nguồn tiền để chuẩn bị cho vay vào quý IV năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cuối năm”.

Dù lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm cao song lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn giữ ổn định. Do đó, ông Lực cho rằng, tính thanh khoản của các ngân hàng vẫn tốt, thậm chí NHNN có lúc phải hút ròng tiền tệ. 

Lãi suất cho vay vẫn phải giữ ổn định

Về lãi suất cho vay, phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, lãi suất vốn vay vẫn được các ngân hàng giữ ổn định, đặc biệt là các kỳ hạn dài. Theo vị chuyên gia của BIDV, các ngân hàng thương mại phải nỗ lực tiết giảm chi phí, đa dạng hóa dịch vụ để tăng nguồn thu, phấn đấu giảm hoặc ổn định chứ không có chuyện tăng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm. Đây là chủ trương nhất quán của NHNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế.

Do đó, ông Cấn Văn Lực dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ vẫn giữ ổn định, dù lãi suất huy động có thể sẽ có thêm một vài đợt sóng tăng nhẹ như diễn biến những tháng qua. “Khoảng cách giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra đang thu hẹp dần, trong khi cạnh tranh giữa các ngân hàng về cả lãi suất và các hình thức dịch vụ vẫn tiếp tục. Đây là bài toán mà các ngân hàng phải giải quyết trong giai đoạn hiện nay”, ông Lực nói.

Đánh giá về mặt bằng lãi suất trong thời gian qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định trong quý II ít nhiều phản ánh nỗ lực của NHNN trong việc bảo đảm thanh khoản cho hệ thống các ngân hàng thương mại. Một số ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh về lãi suất huy động để duy trì thị phần huy động. Tuy nhiên, theo CIEM, việc mặt bằng lãi suất chưa giảm trong khi lạm phát ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ các năm trước cũng ít nhiều ảnh hưởng tới chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

CIEM cho rằng, NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường nhưng cần kiên định với các mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm.

Chuyên đề