Tăng đối thoại với DN để cải thiện chất lượng điều hành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong điều kiện bất lợi như hiện nay, việc thúc đẩy thực thi những cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của chính quyền địa phương có vai trò quan trọng tương đương với các gói hỗ trợ về tiền tệ và tài khóa của Chính phủ giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.
Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức theo khảo sát của PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh so với mức 9,1% của PCI 2016. Ảnh: Song Lê
Tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức theo khảo sát của PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh so với mức 9,1% của PCI 2016. Ảnh: Song Lê

Đó là nhận định của ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Lễ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022 (PCI 2022) vừa diễn ra.

Nhiều trung tâm kinh tế lớn tụt hạng

Theo kết quả nghiên cứu PCI 2022 từ phản hồi của gần 12.000 DN, chất lượng điều hành cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Điểm trung vị PCI 2022 đạt 65,22 điểm, tăng 0,48 điểm so với PCI 2021, tương đương PCI 2019 (năm trước đại dịch Covid-19) và là năm thứ 6 liên tiếp đạt trên 60 điểm/thang điểm 100.

Ông Phạm Tấn Công đánh giá, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) năm 2022 có chuyển biến tích cực khi giúp các DN tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ DN dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh so với mức 9,1% của PCI 2016. Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông, nhưng những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với DN khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

Bảng xếp hạng PCI năm 2022 cũng ghi nhận sự cải thiện vượt bậc của một số địa phương về chất lượng điều hành của chính quyền cấp tỉnh. Trong đó, Bắc Giang từ hạng 31 PCI 2021 với 64,74 điểm vươn lên vị trí á quân với 72,80 điểm. Chỉ số thành phần giúp Bắc Giang ghi điểm ấn tượng trong năm 2022 là chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý. Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Long An cũng đã có những nỗ lực đáng trân trọng để nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu. Lần thứ 6, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2022 với 72,95 điểm.

Lý giải về yếu tố giúp Bắc Giang, Bắc Ninh hay Trà Vinh tăng bậc ấn tượng, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, những địa phương này được DN đánh giá cao bởi việc triển khai các giải pháp về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) như: mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của DN, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Đáng chú ý là một số địa phương bị tụt hạng như Hà Nội đứng thứ 20, TP.HCM đứng thứ 27, Cần Thơ đứng thứ 19… Theo Nhóm nghiên cứu PCI 2022, những địa phương này thường là trung tâm kinh tế lớn, gắn với hoạt động xuất khẩu, trao đổi thương mại với thế giới, nên rất “nhạy cảm” với mỗi thay đổi của bên ngoài, dễ bị tác động. Mặt khác, sự kỳ vọng của DN đối với các trung tâm kinh tế thường lớn hơn, đòi hỏi cần có sự cải cách mạnh mẽ và đột phá hơn.

Khôi phục niềm tin bằng giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp

Kết quả điều tra PCI 2022 cho thấy, DN đang gặp nhiều khó khăn, thách thức về vốn, thị trường… “Vừa gắng gượng vượt qua những thời điểm đen tối của đại dịch Covid-19, mới bắt đầu phục hồi thì những cú sốc mới của kinh tế, địa chính trị toàn cầu ập đến như chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, bất ổn tài chính - ngân hàng, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng toàn cầu…”, ông Phạm Tấn Công nhận định.

Kết quả điều tra PCI 2022 cho thấy, chỉ 35% DN cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Trong khi đó, tỷ lệ DN dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực TTHC (như: thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng); chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở còn hạn chế; tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn.

Những vướng mắc về cơ chế, chính sách vĩ mô đã được Chính phủ nhận diện và đang từng bước tháo gỡ. Thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế. Do đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi chính sách của các cơ quan ban ngành tại địa phương, nhằm tăng cường tính minh bạch thông tin, giảm phiền hà về tuân thủ TTHC và giảm gánh nặng chi phí không chính thức.

Đa số câu trả lời của lãnh đạo địa phương khi được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chất lượng điều hành đều có điểm chung là tăng cường hoạt động gặp gỡ, đối thoại với DN qua nhiều mô hình khác nhau để lắng nghe và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn Bà Rịa - Vũng Tàu có mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, Ngày thứ Bảy lắng nghe”, “ký số bản đồ lớn”… Về áp lực cải cách, theo Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, làm thế nào để giữ được vị trí số 1 là một thách thức rất lớn, bởi các địa phương khác không ngừng nỗ lực vươn lên. Trong những năm qua, Quảng Ninh được DN đánh giá cao nhờ hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và là một điểm sáng về đào tạo lao động.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Tại Bảng xếp hạng PCI 2022, Đồng Tháp nằm trong top đầu các địa phương (đứng thứ 5). Nhiều chỉ số thành phần được DN đánh giá tích cực như tiếp cận đất đai (đứng thứ nhất), tính minh bạch (đứng thứ nhất), chi phí thời gian (đứng thứ 3). Để đạt được thành công đó, ngay từ đầu năm, Đồng Tháp đã chủ động nhận diện các khó khăn, thách thức và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tới các ngành, các cấp. Từ đó tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn lực, động viên tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh thông qua việc duy trì các mô hình café doanh nhân, tiếp xúc trực tiếp với DN tại các khu, cụm công nghiệp để lắng nghe thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN…

Tuy vậy, Đồng Tháp chưa hài lòng về chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý, trong khi an ninh trật tự và chi phí không chính thức đang có dấu hiệu tăng trở lại. Đây là dư địa mà Tỉnh cần đẩy mạnh cải cách trong thời gian tới.

Việc bổ sung đánh giá Chỉ số PGI vào Chỉ số PCI là cách tiếp cận phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay. Trong những năm tới, chỉ số PGI cần được bổ sung thêm nhiều tiêu chí hơn, có tính xác thực và công bằng giữa các địa phương.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh

Năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục đứng vị trí thứ 7 trong Bảng xếp hạng PCI. Trong đó, chỉ số thành phần chi phí thời gian đứng đầu cả nước, đào tạo lao động đứng thứ 2, chính sách hỗ trợ DN đứng thứ 5…

Năm 2022 là năm đầu tiên Chỉ số PGI được đưa vào đánh giá tại PCI và Bắc Ninh xếp thứ 3. Đây sẽ là nguồn động viên rất lớn với Tỉnh, mang lại thương hiệu cho Bắc Ninh, hấp dẫn nhà đầu tư và giúp người dân được hưởng thụ môi trường tốt hơn trong thời gian tới. Việc duy trì Chỉ số PGI tiếp tục được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đạt được kết quả tích cực như vậy là nhờ sự đồng thuận và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tập trung cải thiện các chỉ số thành phần PCI, nâng cấp mô hình Tổ phản ứng nhanh…

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, quý I/2023, Bắc Ninh có tăng trưởng âm. Lãnh đạo Tỉnh và các sở ban ngành, huyện thị đã và đang phân tích kỹ lưỡng để tìm ra căn nguyên, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ thiết thực. Hướng đi đầu tiên là thúc đẩy hỗ trợ DN, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí thời gian, tăng khả năng tiếp cận đất đai, tạo sự bình đẳng giữa các DN, tăng cường tính năng động và sáng tạo của lãnh đạo chính quyền các cấp. Thứ hai là nghiên cứu thêm một số chính sách đặc thù của địa phương, vừa bảo đảm phù hợp với khuôn khổ pháp luật, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển.

Chuyên đề