Tận dụng lợi thế người đi trước, tiềm năng công nghệ để chiến thắng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng xanh và phát triển bền vững vừa là mục tiêu, vừa là sứ mệnh đặt lên vai cộng đồng doanh nghiệp Việt. Dù còn gập ghềnh khó khăn, nhưng theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), đây là việc không thể chần chừ với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Nhiều doanh nghiệp đang triển khai rất tốt mô hình sản xuất xanh, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp đang triển khai rất tốt mô hình sản xuất xanh, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất. Ảnh: Tiên Giang

Thưa ông, Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua xanh và nếu chuyển đổi chậm, chúng ta sẽ gặp những thách thức gì?

Chuyển đổi “xanh” là cuộc đua âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đang chứng kiến sự cạnh tranh ở các thị trường chính, công nghệ xanh và kiểm soát các dòng tài chính xanh quốc tế. Nhiều quốc gia đang chạy đua sở hữu càng sớm càng tốt các kim loại “xanh” phục vụ cho việc chuyển đổi năng lượng, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Ủy ban Châu Âu đang thúc đẩy Kế hoạch công nghiệp xanh của EU để cạnh tranh tốt hơn với Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc đang đầu tư rất mạnh cho công nghiệp xanh...

Ông Nguyễn Quang Vinh

Ông Nguyễn Quang Vinh

Khối lượng trái phiếu xanh phát hành tăng mạnh, đạt kỷ lục 350 tỷ USD trong năm 2020. Theo báo cáo của PwC, các tập đoàn, công ty lớn xuyên quốc gia như Amazon, Tesla, Google, Microsoft… đã và đang đầu tư vào một phân khúc mới của thị trường đầu tư mạo hiểm là công nghệ khí hậu…

Chưa dừng lại ở đó, chúng ta còn phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật xanh giảm phát thải, tạo ra những thách thức lớn trên thương trường, trong khi 97% doanh nghiệp (DN) Việt Nam là nhỏ và vừa. Đơn cử như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Đạo luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), Đạo luật bảo vệ quyền con người của Đức, xu hướng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại…, hay các yêu cầu về phát triển bền vững (PTBV) trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Với những hàng rào này, nếu chậm chuyển đổi xanh, “chậm chân” trong các nỗ lực giảm phát thải từ quá trình sản xuất kinh doanh, DN Việt rất dễ mất thị trường.

Tuy nhiên, đây là cuộc đua rất dài và người chiến thắng chính là người biết tận dụng lợi thế của người đi trước, sử dụng tiềm năng công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo ra những giải pháp xanh nhất, ít carbon nhất và biến nó thành nguồn xuất khẩu, mang lại lợi ích kinh tế cho DN và đất nước. Sân chơi rộng lớn này mang đến cho các DN cơ hội dẫn đầu xu thế như phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng và các ngành nghề mới đi kèm. Chúng ta đang dấn thân vào một cuộc cách mạng xanh và Việt Nam có tiềm năng mở đường tới một tương lai bền vững, thịnh vượng.

Cộng đồng DN đang gặp nhiều khó khăn. Động lực nào để DN chuyển hướng kịp thời theo xu thế của thời đại, tiến nhanh hơn trong cuộc đua này, thưa ông?

Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đang gặp những khó khăn chưa từng có, được cộng dồn từ gần 3 năm xảy ra đại dịch Covid-19, bất ổn kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, thương mại toàn cầu sụt giảm, thay đổi cơ cấu đầu tư…; cùng với những yếu kém nội tại tích tụ lâu dài của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện. Trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 DN gia nhập thì có 8 DN rút khỏi thị trường. Nhiều DN phải gồng mình vượt “cơn gió ngược”.

Trong bối cảnh đó, những DN đi theo xu hướng PTBV đã cho thấy sự thích ứng và chống chịu cao, bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài, cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại. Nhiều DN thành viên VBCSD như: PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO, Nestlé Việt Nam, Heineken Việt Nam, Unilever Việt Nam… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm, hay thực hành khung đánh giá Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) tại DN…

Nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nên đây là thời điểm lịch sử để Việt Nam làm một cuộc cách mạng xanh, chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống thâm dụng tài nguyên, phát thải cao sang các mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải… DN cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.

Để hướng đến một tương lai “xanh” rộng mở, nhà lãnh đạo DN cần nhìn nhận PTBV không phải là gánh nặng chi phí mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội, vì lợi ích của chính DN. Khi làm tốt trách nhiệm xã hội, đối xử tốt với người lao động, với thiên nhiên, niềm tin từ đối tác sẽ đến và đó là nền tảng của thành công.

DN Việt Nam có cơ hội và điều kiện thực thi chiến lược PTBV bởi Đảng và Nhà nước đã xác định rõ chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Việt Nam là PTBV; thành lập Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với chiến lược này, các bộ, ngành đã và đang xây dựng thể chế để khuyến khích PTBV.

Để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 và tận dụng cơ hội kinh doanh, DN phải bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên là phải chuyển đổi tư duy, bởi PTBV cần xuất phát từ thay đổi đồng bộ trong tư duy, tiếp đến thực hiện chuyển đổi hệ thống. DN cần chuyển đổi từ tư duy kinh doanh truyền thống sang kinh doanh xanh thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải carbon... Thành công của DN không còn chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông, mà là PTBV cân bằng trên “kiềng ba chân” là kinh tế - xã hội - môi trường.

Thứ hai là chuyển đổi chuỗi giá trị. DN chỉ có thể hiện thực hóa các mục tiêu PTBV khi xây dựng được một hệ sinh thái bền vững thông qua tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, các bên liên quan trong chuỗi giá trị của DN.

Thứ ba là thúc đẩy chuyển đổi kép, chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ mới song hành, bổ trợ cho chuyển đổi xanh.

Thứ tư là thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Để làm được điều này, DN Việt cần quan tâm, chú trọng hơn đến cải thiện hoạt động quản trị DN bền vững. Do đa số là DN nhỏ và vừa, cộng đồng DN nên nghiên cứu, áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) do VCCI chủ trì xây dựng, giới thiệu từ năm 2016 và được bổ sung, tích hợp, hoàn thiện theo từng năm dựa theo các góc độ đánh giá về hoạt động của DN từ kinh doanh, môi trường, lao động, xã hội một cách toàn diện… Dựa trên những cơ sở này, các DN sẽ xây dựng chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh đảm bảo PTBV.

Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, môi trường kinh doanh, hệ sinh thái và thể chế tương hỗ cần thay đổi như thế nào để chuyển đổi sang những mô hình kinh doanh mới theo xu thế toàn cầu?

Để tạo lập môi trường thực thi thuận lợi nhất, Chính phủ cần khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển thị trường hàng hoá, thị trường trao đổi hạn ngạch tín chỉ phát thải carbon, nhất là cần phải tiếp tục định hướng để phát triển thêm nhiều ngành nghề mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ, hình thành các trung tâm phát triển sản phẩm, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…, trong đó cần có những hướng dẫn cụ thể, triển khai thí điểm (sandbox) về chuyển đổi xanh. Xây dựng riêng một đạo luật về kinh tế tuần hoàn cũng là bước đi mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế ưu việt này.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần chuyển đổi tư duy xây dựng chính sách, tư duy quản lý, giám sát; người dân, xã hội cần chuyển đổi tư duy trong lối sống, lối tiêu dùng, từ “xám” sang “xanh”.

Chuyên đề