Sức cầu yếu, sản xuất công nghiệp tụt dốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh khó khăn và tình trạng thiếu đơn hàng đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong quý I/2023, đặc biệt là DN lĩnh vực công nghiệp. Khi sản xuất công nghiệp - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế - gặp khó, sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2023.
Trong quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang
Trong quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tiên Giang

Đơn hàng sụt giảm

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một DN thép lớn tại khu vực phía Bắc cho biết, hiện tình hình sản xuất kinh doanh của DN ngành thép rất khó khăn tại cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu với lượng đơn hàng quý I/2023 ước tính sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Ở trong nước, tiêu thụ thép sụt giảm mạnh chủ yếu do thị trường bất động sản “ngưng trệ”, nhà thầu xây dựng nợ thanh toán. Với thị trường xuất khẩu, tình hình đơn hàng vẫn rất khó khăn, thậm chí có dấu hiệu xấu hơn do diễn biến thị trường khó đoán định, tác động mạnh tới sức mua.

“Với bối cảnh như vậy, may ra tới cuối quý III, đầu quý IV/2023, sức cầu của thị trường thép mới ấm lên, đơn hàng bớt khó khăn”, đại diện DN thép trên dự báo.

Đến thời điểm này, một trong những đơn vị sản xuất thép xây dựng lớn của Việt Nam là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát chưa tiết lộ về kết quả sản xuất kinh doanh quý I, song theo thông tin Tập đoàn công bố trước đó, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước do sức cầu yếu. Cụ thể, mức tiêu thụ thép xây dựng tháng 1 giảm 20%, tháng 2 giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Một số lò cao của Hòa Phát dừng hoạt động thời gian qua đến nay chưa được khởi động lại. Căn cứ tình hình này, khả năng cao chưa thể lạc quan về mức tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát trong quý I.

Đối với DN dệt may, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, không phải đến thời điểm này tình hình đơn hàng của DN trong ngành mới khó khăn mà tình trạng này đã bắt đầu từ cuối quý III, đầu quý IV/2022. Hiệp hội dự báo, tình trạng thiếu đơn hàng của DN ngành may có thể tiếp diễn đến hết quý II năm nay.

Tương tự các ngành trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, đơn hàng của DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng sụt giảm, đặc biệt là một số thị trường chính như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Thậm chí, nhiều DN chưa có đơn hàng cho tháng 4/2023, DN có đơn hàng thì lại thiếu nguyên liệu và lao động. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi của ngành hiện cao hơn 20% so với thời điểm trước dịch Covid-19…

Doanh nghiệp cần hỗ trợ

Số liệu về tình hình sản xuất công nghiệp vừa được Tổng cục Thống kê cập nhật cho thấy, quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1 giảm 11,1%; tháng 2 tăng 7,2%; tháng 3 giảm khoảng 1,7%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 và mức tăng 5,7% của cùng kỳ 2021. Trong đó, sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm so với quý I/2022 như: chế biến, chế tạo giảm 2,4%; khai khoáng giảm 4,4%; sản xuất, phân phối điện giảm 1,5%...

Để hỗ trợ DN ngành công nghiệp giảm thiểu khó khăn trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, dị biệt, đại diện Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo cơ quan này, khó khăn lớn nhất của các DN công nghiệp trong thời kỳ lạm phát các nước tăng cao là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút, đặc biệt là xuất khẩu. Vì vậy, DN rất cần Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân nhanh các gói hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng…

Đại diện các DN công nghiệp mong muốn cấp có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, thách thức cho DN, trong đó có vướng mắc pháp lý thông qua đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý nhằm “trợ lực” cho DN, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối với các vấn đề có nhiều diễn biến mới trên quy mô toàn cầu như xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải…, DN đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đầu mối thiết lập các chuyên trang thông tin, chương trình giao ban định kỳ với DN để trao đổi thông tin, giúp DN sớm định hình hướng đi, tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức.

Chuyên đề