Sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng: Băn khoăn thuế suất với dịch vụ xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do khó xác định được chính xác hàng hóa tiêu dùng ở trong nước hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp dịch vụ, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất chỉ giới hạn một số dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở mức 0%, các dịch vụ còn lại đều chịu mức thuế cao hơn. Điều này gây quan ngại làm giảm sức cạnh tranh của dịch vụ xuất khẩu Việt Nam.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu (về cơ bản là mức 10%) thay vì được hưởng thuế suất 0%
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu (về cơ bản là mức 10%) thay vì được hưởng thuế suất 0%

Luật Thuế GTGT hiện hành quy định mức thuế suất 0% áp dụng đối với dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế, trừ một số trường hợp được quy định cụ thể. Bộ Tài chính cho biết, thực hiện quy định trên, do dịch vụ có tính vô hình nên việc xác định dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài đối với một số dịch vụ là rất khó, gây vướng mắc, tranh cãi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

Trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với thuế suất 0% (xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam) sau đó lại bị cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế cho rằng đây là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và thực hiện truy thu thuế GTGT 10%. Mặt khác, hiện đang phát triển nhiều dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với hàng hóa được gia công sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu, nhưng thực tế không xác định được chính xác hàng hóa đó là tiêu dùng ở trong nước hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp dịch vụ, hoặc nếu xác định thì rất phức tạp, tăng chi phí quản lý như: dịch vụ phân loại hàng hóa, giám sát chất lượng hàng hóa để xuất khẩu, kinh doanh tài sản số, dịch vụ số...

Qua nghiên cứu kinh nghiệm một số nước, có nước chỉ áp dụng thuế GTGT 0% đối với một số dịch vụ cụ thể. Do đó, để tránh vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế GTGT 0% với các dịch vụ xuất khẩu gồm: dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; dịch vụ vận tải quốc tế; dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế.

Góp ý cho nội dung sửa đổi này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế GTGT đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu (về cơ bản là mức 10%) thay vì được hưởng thuế suất 0% như trước đây.

Việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Theo tìm hiểu sơ bộ của VCCI, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Theo VCCI, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ ở mức hơn 10 tỷ USD mỗi năm. Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường Internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Từ Đổi mới đến nay, xuất khẩu hàng hóa luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước, với tốc độ tăng trung bình gần 15% mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Mặc dù trong quá trình áp dụng, vẫn có tình trạng một số doanh nghiệp gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều đó không thể phủ nhận ích lợi to lớn của chính sách thuế xuất khẩu hàng hóa 0%. Ngành thuế giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn trong việc chống gian lận hoàn thuế, nhưng qua nhiều năm thực hiện, với nhiều nỗ lực thì tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều.

Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia khác trong việc thực hiện chính sách thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu, VCCI nhận thấy các nước thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Để bảo đảm kê khai thuế chính xác, các quốc gia cũng yêu cầu doanh nghiệp phải hạch toán riêng doanh thu từ người dùng trong nước và nước ngoài, sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra như dữ liệu từ các nền tảng trung gian (Google, Apple…), IP của người dùng và dữ liệu thanh toán ngân hàng. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro.

Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam ra nước ngoài mở doanh nghiệp diễn ra ngày càng phổ biến. Ngoài việc có được ưu thế về huy động vốn từ nhà đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi, thì vấn đề thuế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Với tất cả các lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, thuế GTGT là loại thuế áp dụng với người tiêu dùng, nếu tăng thuế suất thì ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ. Vì vậy, trong bối cảnh cần tăng sức cạnh cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, cần hết sức cân nhắc và thận trọng khi nâng thuế suất GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu.

Chuyên đề