Sự cố 4/5 tuyến cáp quang lỗi và vấn đề hạ tầng mạng cho kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu như năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) đến từ chất xúc tác Covid-19 thì chiều sâu của TMĐT là vấn đề được nhắc đến nhiều trong năm 2022. Hội thảo “Kinh tế số và phát triển bền vững: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới” diễn ra chiều 10/2 đã chỉ ra nhiều rào cản mà kinh tế số Việt Nam đang gặp phải, trong đó có hạ tầng mạng.
Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số
Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số

Trong tháng đầu tiên của năm 2023, 2 tuyến cáp quang biển IA (còn gọi Liên Á) và APG gặp sự cố, ảnh hưởng đến lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Đây là 2 trong số 5 tuyến cáp quang biển đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.

Trước đó, cuối năm 2022, 2 tuyến cáp quang biển khác là AAG, AAE-1 cũng gặp sự cố và vẫn chưa khắc phục xong. Như vậy, 4/5 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng Việt Nam khai thác đang cùng gặp sự cố, khiến việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế của nhiều thuê bao bị ảnh hưởng.

Trước sự cố này, ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) bức xúc: “Để kinh tế số phát triển cần hạ tầng công nghệ thông tin, Internet phải tốt. Vậy mà một tuần qua, có 5 đường cáp quốc tế thì 4 đường không kết nối được. Còn một đường kết nối được thuộc loại già cỗi nhất thế giới, nghe đâu năm 2024 đường này sẽ không còn hoạt động”.

Việc kết nối Internet chậm đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là những người kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện “vẫn không thấy nhà mạng nào tính đến việc giảm phí”, ông Hưng nói.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, để có kinh tế số thì phải có thị trường số, phải có không gian số, dữ liệu số và việc đầu tiên là phải đảm bảo hạ tầng số. “Đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế số có liên quan đến phát triển bền vững, Bộ đã triển khai để xem ảnh hưởng khi bị cắt đứt Internet quốc tế và cố gắng đảm bảo ít nhất 70 - 80% hoạt động kinh tế số khi có sự kiện nào đó khiến Internet quốc tế bị cắt đứt".

Bên cạnh hạ tầng mạng, đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như năng lực kết nối số còn thấp, hệ thống thể chế chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực đổi mới sáng tạo của khu vực tư nhân được đánh giá là một trong những hạn chế lớn đối với sự phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Chuyên đề