SPT sắp chia tay cổ đông lớn

(BĐT) - Văn phòng Thành ủy TP.HCM sẽ bán đấu giá hơn 11,456 triệu cổ phần nắm giữ tại Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) vào ngày 5/4/2017 với mức giá khởi điểm 13.412 đồng/cổ phần.
Chi phí quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận mảng hoạt động chính của SPT. Ảnh: Công Thành
Chi phí quản lý doanh nghiệp ăn mòn lợi nhuận mảng hoạt động chính của SPT. Ảnh: Công Thành

Kinh doanh tài chính hay bưu chính, viễn thông?

Mặc dù SPT hoạt động chính trong lĩnh vực bưu chính và viễn thông, nhưng hoạt động tài chính đóng góp đáng kể cho kết quả kinh doanh của Công ty này.

Báo cáo tài chính từ năm 2013 đến 2015 và 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy lợi nhuận bán hàng của SPT luôn âm. Cụ thể, các con số từ năm 2013 đến 2015 và 9 tháng 2016 lần lượt là âm 56 tỷ đồng, âm 25 tỷ đồng, âm 26 tỷ đồng, và âm 0,342 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động tài chính luôn đạt được con số ấn tượng trên 60 tỷ đồng. Thậm chí năm 2013, lợi nhuận tài chính đạt tới 91,8 tỷ đồng, gấp 1,4 lần lợi nhuận gộp bán hàng năm đấy.

Các khoản doanh thu tài chính của SPT chủ yếu là từ cho vay các công ty liên doanh, liên kết. Cụ thể, năm 2014 lãi tạm ứng vốn cho Trung tâm Điện thoại di động CDMA (một công ty được SPT đầu tư 175 tỷ đồng) là 108 tỷ đồng. Năm 2015, lãi từ cho Công ty TNHH Thông tin và Viễn thông di động S-Telecom (SPT nắm giữ 41,91% vốn điều lệ) vay là 85 tỷ đồng.

Sự yếu kém của hoạt động bán hàng chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn. Khoản chi phí này luôn cao hơn lợi nhuận gộp bán hàng. Đáng chú ý là khoản chi phí này có xu hướng tăng lên khi tỷ suất chi phí quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần vẫn tăng. Năm 2013 chỉ số này là 0,16, năm 2014 giảm còn 0,15 nhưng đến năm 2015 đã nhảy lên 0,172. Chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí quản lý doanh nghiệp chính là chi phí nhân viên quản lý. Năm 2015, khoản chi phí này đã tăng 34% lên 55,3 tỷ đồng. 

Mức giá khởi điểm 13.412 đồng/cổ phiếu có quá cao?

Đến thời điểm này SPT vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2016. Tuy nhiên theo Báo cáo tài chính quý III của SPT, 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Công ty lần lượt là 557,6 tỷ đồng (mới chỉ thực hiện được 61% kế hoạch 2016) và 97,26 tỷ đồng (thực hiện được 65% kế hoạch 2016). Như vậy rất khó để Công ty có thể đạt được kế hoạch được giao 2016.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của Công ty từ năm 2013 đến 2015 đều rất thấp, lần lượt là 241, 379, 231 đồng/CP. Như vậy, giả sử Công ty đạt được kế hoạch tài chính năm 2016 với tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với năm 2015 đạt 413% thì EPS của Công ty năm 2016 sẽ là 954. Lãi suất sinh lời trên 1 cổ phiếu với mức giá 13.412 đồng sẽ là 7,1%/năm, thấp hơn hẳn lãi suất tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn 1 năm của một số ngân hàng như Ngân hàng Quân đội  (7,2%/năm), Ngân hàng Việt Á (7,4%/năm), Ngân hàng SCB (7,3%/năm).

Với EPS là 954 đồng/CP (tạm tính đến hết tháng 9/2016) và mức giá kỳ vọng của đơn vị đấu giá là 13.412 đồng/CP, CP của SPT có hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu (P/E) hơn 14 lần. Đây là mức định giá không thực sự hấp dẫn so với triển vọng và nội tại của Công ty.

CDMA, một thương vụ rắc rối

Theo Báo cáo tài chính năm 2015, SPT đã góp khoản vốn lưu động ban đầu là 11.050.000 USD, tương đương 175.710.330.627 đồng, vào Trung tâm Điện thoại di động CDMA (theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty và Công ty SLD Telecom Pte - nay là Công ty SK Telecom Vietnam Pte. Ltd. (SKTV)).

Ngày 31/12/2010, SPT và SKTV đã ký kết Hợp đồng chuyển đổi và Hợp đồng liên doanh, theo đó các bên:

- Chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh

- Thành lập Công ty TNHH Thông tin và Viễn thông di động S-Telecom

- Chuyển giao tài sản vào S-Telecom

- SKTV bán và SPT mua phần vốn được chào bán tại S-Telecom

- Phong tỏa tài khoản để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán

Theo Nghị quyết họp chung giữa các bên Hợp tác kinh doanh số 07/2013/NQ-JM ngày 26/9/2013, khoản lỗ lũy kế của Hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ được xóa bằng việc giảm giá trị tài sản vốn kinh doanh được góp bởi SPT tính đến 1/1/2012. Công ty đang tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng này và thực hiện các thủ tục bàn giao tài sản, xác định vốn góp vào S-Telecom.

Đây là thương vụ đầy sóng gió và không mang lại hiệu quả như mong đợi cho SPT.

Chuyên đề