S&P Global: Ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4, S&P Global cho biết, ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại. Tuy nhiên, các công ty đã giảm việc làm và niềm tin kinh doanh đã giảm.

Trong khi đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng là tương đối chậm. Điều này đã cho phép các nhà sản xuất tiếp tục chiết khấu giá cho khách hàng để thu hút đơn đặt hàng mới.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi đạt 50,3 điểm. Kết quả chỉ số cho thấy, "sức khỏe" ngành sản xuất cải thiện nhẹ, và đây là lần cải thiện thứ ba trong 4 tháng qua.

Điểm tích cực chính của kỳ khảo sát này là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trở lại, và mức tăng là mạnh sau khi giảm nhẹ trong tháng trước. Hơn nữa, tốc độ tăng là nhanh nhất kể từ tháng 8/2022. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết, nhu cầu thị trường đã cải thiện và họ đã thành công trong việc thu hút khách hàng mới.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng trở lại nhưng mức tăng lần này chỉ là nhẹ và là thấp hơn so với tổng số lượng đơn đặt hàng mới.

"Một nhân tố khác giúp các nhà sản xuất có số lượng đơn đặt hàng mới tăng là giá bán hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp khi họ phải cạnh tranh về giá và đáp ứng yêu cầu chiết khấu từ khách hàng. Mức giảm giá lần này là đáng kể nhất trong thời gian 9 tháng", Báo cáo của S&P Global cho biết.

Các công ty đã phải chiết khấu giá bất kể chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nhưng mức độ tăng giá đầu vào là tương đối nhẹ khiến các công ty có thể dễ dàng hơn trong việc hạ giá bán mà không chịu quá nhiều áp lực lên biên lợi nhuận. Ở những nơi chi phí đầu vào tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho biết, giá dầu và chi phí vận chuyển tăng. Cũng có một số báo cáo cho biết giá đường tăng.

Theo S&P Global, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã giúp sản lượng ngành sản xuất ở Việt Nam tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ là nhẹ.

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trong tháng 4, tình trạng nhu cầu yếu hiện nay khiến các công ty phải giảm việc làm lần đầu tiên trong 3 tháng.

Tuy nhiên, trong thời điểm số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, việc giảm số lượng nhân viên khiến các công ty khó hoàn thành kịp thời các đơn hàng. Kết quả là, lượng công việc tồn đọng tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ.

Hoạt động mua hàng tăng lần đầu trong 6 tháng để đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nhưng tăng ở mức nhẹ khi các công ty còn ngần ngại trong việc lưu giữ hàng tồn kho. Trên thực tế, tồn kho hàng mua đã giảm mạnh trở lại, từ đó kéo dài thời kỳ giảm hiện nay lên 8 tháng.

Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm, một phần phản ánh sự cần thiết phải đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới đang tăng mạnh vào thời điểm sản lượng còn hạn chế. Tốc độ giảm đã chậm lại so với tháng 3.

Thời gian giao hàng của nhà cung cấp không thay đổi trong tháng 4, từ đó kết thúc thời kỳ 3 tháng kéo dài thời gian giao hàng. Một số công ty cho biết, hàng tồn kho của nhà cung cấp đầy đủ đã giúp họ đẩy nhanh việc giao hàng.

Tình trạng bất ổn của thị trường gần đây đã khiến niềm tin kinh doanh giảm về mức thấp của 3 tháng. Tuy nhiên, hy vọng về tình trạng nhu cầu ổn định và tích cực trong những tháng tới đã củng cố cho niềm lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong một năm tới.

Chuyên đề