Dự báo tình hình sốt đất nói trên vẫn chưa thể dừng lại, bởi hiện nay khách mua vẫn tiếp tục săn lùng. Ảnh minh họa: Gia An |
Mua bán “rốp rẻng”
Cách đây khoảng hai tháng, mảnh vườn chỉ vài trăm mét vuông, lâu nay bỏ hoang của một người dân ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã có người mua với giá gần 600 triệu đồng khiến câu chuyện sốt đất bắt đầu nhen nhóm.
Cái lạ ở đây là, trước đó mấy tháng, lô đất trên rao bán 100 triệu đồng nhưng không có ai mua, do có bề ngang khá hẹp, lại nằm sát sông, người dân địa phương hay gọi là biền - nơi mỗi mùa bão lũ đến rất nguy hiểm - nhưng nay tăng giá gần 6 lần.
Trong khoảng thời gian này, một nửa mảnh vườn khác có diện tích khoảng vài trăm mét vuông, ở một ví trí khá khuất, cách khu đất nói trên chưa tới 1km lại có người trả mua đến 1,2 tỷ đồng nhưng chủ nhà không chịu bán.
Cũng ở xã Hải Hưng, một mảnh đất khác gần rú - nơi an táng những người đã khuất - được giao dịch với giá 850 triệu đồng. Khi hay tin lô đất này được bán với giá trên, mọi người đều hết sức ngạc nhiên.
Hay như một mảnh ruộng khác, có diện tích chỉ khoảng hơn 100m2, nằm ở trong một lối xóm nhỏ cũng đã được chốt với giá 200 triệu đồng. Ở những đô thị, giá đất như vậy là “bèo bọt”, nhưng ở vùng nông thôn này, như vậy là khá bất thường.
Dự báo tình hình sốt đất nói trên vẫn chưa thể dừng lại, bởi hiện nay khách mua vẫn tiếp tục săn lùng. Covid-19 làm tê liệt thị trường bất động sản ở các đô thị lớn, song xem ra ở nhiều vùng nông thôn Quảng Trị lại có một bức tranh đầy tương phản.
Khách mua để làm gì?
Theo tìm hiểu của phóng viên, những khách đến săn lùng đất ở vùng nông thôn Quảng Trị thời gian qua đa phần là những người đến từ thành phố Đông Hà, Huế và các tỉnh phía Bắc. Phong cách mua bán của họ rất “rốp rẻng” và thường khi họ đã mua thì khó ai có thể mua với giá cao hơn được.
Từ khi việc sốt đất bùng lên, một số gia đình có vườn rộng đã phân lô ra để bán. Ảnh minh họa: Gia An |
Từ khoảng tháng 3/2021 đến nay, rất nhiều mảnh đất, chủ yếu là đất vườn, đã được đặt cọc hoặc giao dịch thành công. Làng quê yên bình giờ không còn nói chuyện ruộng vườn mà chuyển sang thảo luận vấn đề bất động sản dường như mỗi ngày.
Từ khi việc sốt đất bùng lên, một số gia đình có vườn rộng đã phân lô ra để bán. Hàng ngày, những người môi giới ở các làng trong xã luôn săn lùng nguồn hàng mới để giới thiệu cho khách.
Ngoài một số ít lô đất đã giao dịch thành công, phần lớn các giao dịch còn lại đang chỉ mới đặt cọc.
Tuy tại khu vực xã Hải Hưng hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bỏ cọc, nhưng trước đó ở một số xã thuộc huyện Gio Linh, người dân cho biết, đã xuất hiện việc mua đất giá cao, sau một thời gian quay lại đòi tiền cọc, đòi không được thì hù dọa.
Lý giải việc đất ở trong các thôn xóm tại một số xã ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua "đùng đùng" tăng giá, nhiều người cho rằng, đó chẳng qua là chiêu trò của giới đầu cơ đất.
Bởi, đa phần những người này thường đầu tư đất ở nhiều vùng thị trấn, thị xã, hay thành phố Đông Hà ở trong tỉnh Quảng Trị. Khi họ muốn bán đất ở những nơi này với giá cao, họ đã sử dụng chiêu thức kích cầu đất sốt ảo ở vùng nông thôn.
Luật sư Trần Khánh Ly cho biết, thông thường, theo quy luật, nếu đất ở nông thôn mà còn sốt thì đương nhiên đất ở thị trấn, thị xã và thành phố sẽ tăng mạnh. Với cách làm này, giới đầu cơ chỉ bỏ ra 1 đồng nhưng thu lợi cả trăm đồng.
Việc khách ở xa đến mua đất những vùng nông thôn như đã đề cập, chắc chắn là để bán lại chứ không nhằm mục đích mua để ở. Nhưng khi nào họ bán lại và họ bán với giá nào thì con “át chủ bài” này vẫn chưa thể biết, trừ những người trong cuộc.
Kinh nghiệm đúc rút ra từ những đợt số đất ảo do giới đầu cơ thổi lên là người nào đến sau sẽ lãnh đủ.
Việc đất ở nông thôn gia tăng giá trị theo thời gian là một tín hiệu đáng mừng. Người dân bao năm vất vả với ruộng vườn nay có thể sẽ được đổi đời nhờ đất. Nhưng việc mua bán cũng phải nên thận trọng, bởi cuộc chơi khi không nằm trong tay của mình thì phần thắng rất khó lượng định.