Sống vất vưởng 25 năm với dự án “treo” của HUD giữa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh những biệt thự, căn hộ đẹp đẽ, sang trọng thuộc khu đô thị Định Công là những ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp, đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân sống khổ sở vì nằm trong dự án “treo” 25 năm nay.

Khu vực quy hoạch làm bãi xe vẫn “treo” 25 năm

Ông Nguyễn Văn Hồi sống tại khu Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) từ năm 1986. Qua 35 năm, ông Hồi chứng kiến sự phát triển của khu Định Công từ một xã ngoại thành Hà Nội thành phường Định Công và huyện Thanh Trì cũng được tách một phần lập quận Hoàng Mai. Quá trình phát triển đô thị hóa những tưởng là niềm vui, mang lại lợi ích cho người dân sống trong khu vực. Tuy nhiên, khi dự án khu đô thị Định Công được phê duyệt và thực hiện (năm 1996) là từ đó ông Hồi cùng với những người dân ở tổ 25 phường Định Công sống vất vưởng với dự án “treo”.

“Nhà tôi được xã giao đất giãn dân từ năm 1986 và được cấp “Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất” từ năm 1990. Tới năm 1996, Chính phủ phê duyệt dự án khu đô thị Định Công là từ đó tới nay chúng tôi sống trong vùng quy hoạch không được cấp sổ đỏ, không được xây dựng, sửa chữa dù nhà đã xây từ rất lâu, xuống cấp” - ông Hồi nói.

Căn nhà xây từ những năm 80 nay đã xuống cấp nhưng vẫn không xin phép được sửa chữa

Căn nhà xây từ những năm 80 nay đã xuống cấp nhưng vẫn không xin phép được sửa chữa

Cũng là một người dân sống tại tổ 25 phường Định Công, chị Hương chia sẻ: “Lúc bắt đầu lập quy hoạch thu hồi đất mới có 34 hộ dân, giờ số hộ dân ở trong khu vực đã lên thành hơn 80 hộ, nhà cửa chật hẹp nhưng không được xây dựng mở rộng theo nhu cầu, người dân vẫn sống ở những gian nhà lụp sụp. Một số hộ dân muốn bán đi cũng không được vì không ai mua nhà trong quy hoạch, khi có nhu cầu vay ngân hàng cũng không thể thế chấp được”.

Từ khi khu vực tổ 25 phường Định Công được quy hoạch là bãi xe và khu dịch vụ khách sạn làm cảnh quan cho khu đô thị Định Công, người dân ở đây đã chuẩn bị tâm lý di rời đi nơi khác để trả mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, sau 25 năm không có một đơn vị nào vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện chủ trương của nhà nước thu hồi giải phóng mặt bằng nhưng từ năm 1996 tới nay, 25 năm không thực hiện giải phóng mặt bằng mà “treo” cuộc sống của người dân với một bản đồ án quy hoạch trên giấy” - ông Trần Hải Hòa nói.

Không thực hiện dự án, người dân đề nghị cho chuyển đổi mục đích

Tình cảnh đi không được ở không xong của hơn 80 hộ dân tổ 25 phường Định Công do nhà ở nằm trong quy hoạch của dự án khu đô thị Định Công vì sao “lây nhây” bao nhiêu năm chưa được giải quyết? Được biết, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD).

Cụ thể, ngày 27/8/1996, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2819/QĐ-UB về việc thu hồi đất để xây dựng khu tập trung tại xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai). Theo đó, toàn bộ 56 hộ dân thuộc tổ 25 nằm gọn trong quy hoạch khu xây dựng khu đô thị Định Công, thuộc ô A1/CCKV2 với các công trình có chức năng công cộng, gồm lô đất ký hiệu DX2 bố trí bãi đỗ xe (rộng 2.530m2) và lô đất ký hiệu KS (diện tích 6.038m2) làm khách sạn dịch vụ nhằm tạo cảnh quan chung cho khu vực. Đây cũng là 1 hợp phần của dự án khu đô thị Định Công.

Người dân tại tổ 25 phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội hàng chục năm sống với dự án "treo" của HUD

Người dân tại tổ 25 phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội hàng chục năm sống với dự án "treo" của HUD

Nhưng đó chỉ là quy hoạch còn thực tế, 25 năm qua người dân phải sống trong vùng dự án “treo”. Chủ đầu tư chỉ tập trung cho các công trình nhà ở thương mại như những khu biệt thự, nhà liền kề, chung cư tạo ra lợi nhuận mà lờ đi trách nhiệm xây dựng công cộng.

Ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công cho biết, theo quyết định phê duyệt của thành phố, dự án khu đô thị Định Công thu hồi 35ha đất nông nghiệp và đất ở, tổ 25 là khu vực xây dựng công trình công cộng và dịch vụ trong dự án nhưng chủ đầu tư không thực hiện.

“Người dân đề đạt nguyện vọng, xin các cấp của thành phố, sau 25 năm dự án không thực hiện mong muốn được chuyển đổi thành đất ở để người dân có cuộc sống ổn định. Người dân cũng quan tâm nhiều đến việc cấp sổ đỏ, nhưng vì vướng vào quy hoạch nên không cấp được. Nhà ở của người dân thì từ những năm 80 nay đã dột nát, nhiều thế hệ, không cải tạo được nên cũng rất bức xúc” - ông Đặng Xuân Chiến nói.

Một đồ án quy hoạch trên giấy đã khiến hơn 80 hộ dân với 300 nhân khẩu nằm trong vùng dự án “treo” 25 năm qua. Người dân chỉ biết chờ đợi, mong ngóng các cấp chính quyền nhưng tới nay vẫn chưa có được câu trả lời, hướng giải quyết rõ ràng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư