Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 800 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
So với đầu năm, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giảm hơn 8.400 tỷ đồng với nguyên nhân chính là phần chi bình ổn giá xăng, dầu bán lẻ cao hơn số quỹ các doanh nghiệp trích lập.

Tại báo cáo mới nhất về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết tính đến hết quý III năm nay, số dư quỹ này chỉ còn hơn 824 tỷ đồng, giảm gần 300 tỷ so với quý II liền trước và thấp hơn 8.400 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Tính riêng quý III, tổng số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu trong nước trích quỹ bình ổn giá là 502 tỷ. Ở chiều ngược lại, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá mặt hàng thiết yếu này trong giai đoạn tháng 7-9 là 803 tỷ đồng.

Kết quả là số dư quỹ đã giảm từ mức 1.123 tỷ vào cuối quý II xuống 824 tỷ đồng đến hết tháng 9.

Với việc Quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục giảm trong quý III, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận giảm số dư quỹ, kéo dài từ quý IV/2020 đến nay.

Trước đó, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu từng đạt đỉnh hơn 10.000 tỷ vào cuối quý III/2020 khi giá dầu thế giới giảm mạnh kéo theo giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá các mặt hàng này liên tục tăng cao khiến số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá liên tục lớn hơn số tiền các doanh nghiệp trích lập hàng quý.

Tính từ đầu năm, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng, dầu trong nước là 8.410 tỷ đồng, tương đương mức chi bình quân 31,1 tỷ đồng/ngày.

Trong năm 2020 trước đó, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu của các doanh nghiệp vào khoảng gần 3.800 tỷ, tương đương hơn 10 tỷ/ngày trong cả năm. Năm 2019, tổng số tiền quỹ đã sử dụng để bình ổn giá xăng, dầu trong nước là 8.000 tỷ, tương đương 22 tỷ/ngày.

Cũng theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, giá xăng, dầu tăng nhanh đã khiến hàng loạt nhà bán lẻ ghi nhận số dư quỹ bình ổn ở mức âm tại thời điểm cuối tháng 9.

Trong đó, 2 nhà bán lẻ xăng, dầu lớn nhất cả nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex và Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil ghi nhận số dư quỹ bình ổn giá âm lần lượt ở 192 tỷ và 698 tỷ đồng.

Ngoài ra, số dư quỹ tại Công ty CP XD Tân Nhật Minh cũng đang âm 114 tỷ; Công ty TNHH Hải Linh âm 73 tỷ; Công ty TNHH TM&DV Long Hưng âm 67 tỷ; Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ âm 46 tỷ…

Trong đợt điều chỉnh gần nhất ngày 10/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục tăng giá xăng, dầu trong nước, đưa giá các mặt hàng này lên mức cao nhất 7 năm.

Cụ thể, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 660 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng/lít so với kỳ trước đó, giá bán lẻ với xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.990 đồng/lít.

Tương tự, giá các mặt hàng dầu được điều chỉnh tùy loại, trong đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel là 18.710 đồng/lít; dầu hỏa là 17.630 đồng/lít và dầu mazut là 16.820 đồng/kg.

Trong vòng 1 năm qua, giá xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 9.775 đồng/lít trong khi xăng RON 95 tăng 10.289 đồng/lít.

Chuyên đề