Siêu chiến hạm giúp Anh thay đổi bản chất chiến tranh trên biển

Thiết giáp hạm HMS Dreadnought của Anh sở hữu thiết kế mang tính cách mạng, trở thành hình mẫu của các lực lượng hải quân trên thế giới sau này.

Quá trình đóng và bản vẽ của tàu HMS Dreadnought

Năm 1905, tham mưu trưởng hải quân Anh John "Jackie" Fisher đã cho nghỉ hưu nhiều tàu chiến cũ để xây dựng lại hải quân hoàng gia Anh với nòng cốt gồm các tuần dương hạm bọc thép có tốc độ cao và hỏa lực mạnh. Kết quả, thiết giáp hạm HMS Dreadnought, siêu chiến hạm thay đổi bản chất chiến tranh trên biển đã ra đời, theo National Interest.

Cuối thế kỷ 19, thiết giáp hạm tối tân thường được trang bị pháo cỡ nòng lớn và nhỏ. Các nhà thiết kế tin rằng giao tranh chủ yếu diễn ra trong phạm vi của pháo cỡ nhỏ, việc lắp nhiều loại pháo sẽ hình thành hỏa lực xuyên phá lớn. Trên thực tế, một số người cho rằng chiến hạm bọc thép cỡ lớn được trang bị vũ khí nhỏ có thể đánh bại thiết giáp hạm nhờ dội mưa hỏa lực.

Tuy nhiên, sự phát triển trong hệ thống quan sát và cải tiến độ chính xác của pháo đầu thế kỷ 20 khiến pháo hạng nặng được ưu tiên lắp đặt, do chúng có thể tấn công ở khoảng cách xa vượt quá sự tưởng tượng trước đó, đem lại lợi thế lớn hơn cho tàu chiến.

Theo chuyên gia quân sự Robert Farley, tàu HMS Dreadnought được biên chế năm 1906 có vũ khí chính là pháo lớn, thay vì trang bị hỏa lực hỗn hợp như các tàu trước đó. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là hệ thống động cơ tuốc bin thay thế cho động cơ pít tông, giúp nó có tốc độ cao hơn và ít bị rung lắc. Đây được coi là thiết kế mang tính cách mạng của chiến hạm HMS Dreadnought.

Các thiết giáp hạm trang bị pháo lớn cùng thời của Mỹ và Nhật đều được thiết kế dựa theo các khuôn mẫu trước đó. Tàu USS South Carolina được đóng dựa trên khung vỏ của lớp Connecticut, với vũ khí trang bị được bố trí lại, trong khi HMS Dreadnought đã cho thấy sự lạc hậu của các thiết giáp hạm trước đó trên thế giới.

HMS Dreadnought trong một chuyến ra khơi. Ảnh:Wikipedia.

HMS Dreadnought có lượng giãn nước 18.200 tấn, được trang bị 10 pháo cỡ nòng 304 mm trên 5 tháp pháo và có tốc độ hành trình gần 39 km/h. Nhờ sở hữu nhiều pháo hạng nặng tầm xa và tốc độ cao hơn bất kỳ thiết giáp hạm nào thời đó, nó có thể diệt đối phương từ xa. Các thiết giáp hạm sau này đều thiết kế theo khuôn mẫu HMS Dreadnought, khiến tên của còn tàu này trở thành tên một loại tàu chiến trong lịch sử.

Người Anh cho rằng thiết kế kiểu hai tháp pháo xếp chồng lên nhau (superfiring) sẽ kém hiệu quả, bởi thiết giáp hạm Mỹ sử dụng thiết kế này đã không thể hiện được uy lực trong các thử nghiệm. Do đó, người Anh bố trí một tháp pháo ở phía trước, hai pháp pháo phía sau và thêm một tháp ở mỗi bên sườn. Điều đó giúp HMS Dreadnought sở hữu hỏa 8 pháo khí bắn về một bên sườn hoặc 6 pháo khi bắn đối đầu.

Dreadnought được bọc thép tương đương lớp Lord Nelson, thế hệ thiết giáp hạm cuối cùng được hải quân hoàng gia Anh đóng trước khi HMS Dreadnought ra đời.

Thiết giáp hạm Dreadnought trở thành động lực chính trị với Fisher. Ông đã tích trữ nguyên vật liệu chế tạo chiến hạm này trước khi hoàn thiện thiết kế, đồng thời trì hoãn việc đóng các tàu khác để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện HMS Dreadnought, khiến hai chiến hạm lớp Lord Nelson phải chờ tới năm 1908 mới được biên chế.

Dreadnought được hạ thủy tháng 10/1905 và biên chế tháng 12/1906. Sự xuất hiện của nó khiến các lực lượng hải quân trên thế giới phải thiết kế lại thiết giáp hạm của họ. Tuy nhiên, ngôi vị chiến hạm mạnh nhất thế giới của HMS Dreadnought chỉ được duy trì trong thời gian ngắn.

Đến năm 1910, Brazil cũng sở hữu các thiết giáp hạm uy lực hơn HMS Dreadnought, dù họ phải đặt hợp đồng đóng tàu tại chính nước Anh. Dù vậy, thiết giáp hạm này rõ ràng vẫn vượt trội so với các mẫu chiến hạm trước đó trên thế giới.

HMS Dreadnought nhìn từ phía sau. Ảnh:Pinterest.

Dreadnought trở thành kỳ hạm của Home Fleet, hạm đội chuyên bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Anh, cho đến năm 1912, trước khi nhường vị trí cho các thiết giáp hạm mới và lớn hơn. Sau đó, nó vẫn đóng vai trò chỉ huy một hải đội của Grand Fleet, hạm đội chủ lực của Anh trong Thế chiến I.

Ngày 18/3/1915, tàu ngầm U-29 của Đức bí mật băng qua kênh Pentland Firth trong quần đảo Orkney để tấn công Grand Fleet khi hạm đội này đang tiến hành tập trận. Sau khi phóng ngư lôi, U-29 nổi lên mặt biển, bị HMS Dreadnought truy đuổi và đâm chìm ở tốc độ cao. Chiến công này khiến Dreadnought trở thành thiết giáp hạm duy nhất đánh chìm tàu ngầm.

HMS Dreadnought bỏ lỡ trận chiến Jutland do phải đại tu và phục vụ với vai trò là kỳ hạm trong hải đội toàn tàu chiến đời cũ. Lực lượng này đồn trú trên sông Thames để ngăn chặn tàu tuần dương bọc thép của Đức oanh tạc các thị trấn ven bờ của Anh. Tháng 3/1918, Dreadnought được điều trở lại Grand Fleet, nằm trong lực lượng dự bị cho đến khi chiến tranh kết thúc và bị tháo dỡ năm 1923.

Việc một chiến hạm từ vị trí hàng đầu thế giới trở nên lạc hậu trong một thập niên là điều hoàn toàn xa lạ với quan điểm hiện đại. Tốc độ đổi mới này đã vượt qua mọi thứ, trừ ngành công nghiệp thiết kế máy bay chiến đấu trong thế kỷ 20. Dù vậy, nhiều chiến hạm được đóng sau HMS Dreadnought chỉ 10 năm vẫn được giữ trong biên chế hải quân đến tận giữa thập niên 1940.

Chuyên đề