Siết điều kiện kinh doanh thẩm định giá có phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp (DN) thẩm định giá phát triển nhanh được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ do thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Do đó, tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất quy định khắt khe hơn về hoạt động của DN thẩm định giá. Song, có ý kiến cho rằng điều này chưa hẳn là phù hợp.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu nâng cao điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sẽ tác động đến tính cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu nâng cao điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá sẽ tác động đến tính cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến nay, cả nước có hơn 340 DN đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang hoạt động, 1.723 thẩm định viên đã đăng kí hành nghề tại các DN thẩm định giá.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định điều kiện cấp, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, hành nghề thẩm định giá tương đối mở dẫn đến số lượng DN thẩm định giá tăng nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề này trong giai đoạn 2013 - 2020. Mặt khác, điều này cũng dẫn đến việc một số DN thẩm định giá, các thẩm định viên hành nghề thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dẫn đến những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ.

Số lượng DN phát triển nhanh cũng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá, cắt bớt quy trình thẩm định giá dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ, đồng thời là nguyên nhân của nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc dư luận.

Nguyên nhân của tình trạng này là các quy định của Luật Giá hiện không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn về phát triển theo chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng nghề thẩm định giá. Tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính nêu rõ quan điểm hoàn thiện cơ chế thẩm định giá nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.

Dự thảo đề xuất nâng cao điều kiện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điều kiện về số lượng của thẩm định viên về giá từ 3 lên 5 người; các thành viên góp vốn đều là thẩm định viên về giá; điều kiện của giám đốc chi nhánh tương ứng với điều kiện của giám đốc DN); bỏ hình thức công ty cổ phần đối với DN thẩm định giá.

Góp ý với đề xuất trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nếu mục tiêu chính sách hướng đến chất lượng dịch vụ của hoạt động thẩm định giá thì cần phải điều chỉnh chính sách đối với thẩm định viên về giá để đảm bảo năng lực của đội ngũ này, từ đó sẽ nâng cao chất lượng của báo cáo kết quả thẩm định giá cũng như chất lượng dịch vụ của DN thẩm định giá. Việc đặt ra yêu cầu về điều kiện kinh doanh khắt khe hơn đối với DN thẩm định giá chưa đủ căn cứ là sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ mà DN cung cấp, trong khi chịu trách nhiệm về chất lượng của báo cáo thẩm định vẫn là cá nhân thẩm định viên về giá.

Mặt khác, nếu nâng cao điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, theo VCCI, sẽ thu hẹp số lượng DN thẩm định giá, tác động đáng kể đến tính cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng.

Về việc bỏ loại hình công ty cổ phần đối với DN thẩm định giá, hiện có khoảng 46% DN thẩm định giá là công ty cổ phần. Đây là số lượng DN khá lớn sẽ phải chuyển đổi loại hình DN. Theo VCCI, đề xuất này tác động rất lớn đến DN thẩm định giá, vì vậy cần được đánh giá một cách thận trọng.

Liên quan đến chất lượng dịch vụ thẩm định giá, Hội Thẩm định giá Việt Nam vừa có công văn kiến nghị Bộ Tài chính nên xem xét các quy định pháp luật về thẩm định giá. Hội cho biết, thời gian gần đây, cơ quan pháp luật đã thông báo công khai một số trường hợp thẩm định viên về giá của một số DN thẩm định giá có những sai phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ, gây ra những hệ quả pháp lý rất đáng tiếc.

Hội Thẩm định giá Việt Nam đề xuất yêu cầu các thẩm định viên, DN thẩm định giá tuân thủ đúng quy định của pháp luật về thẩm định giá; tăng cường kiểm tra, đánh giá, giám sát chất lượng hoạt động thẩm định giá… Cần thiết phải tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về thẩm định giá, nhất là Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Từ đó phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; sửa đổi, bổ sung những quy định có bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn như việc thẩm định giá thiết bị y tế, hàng hoá, dịch vụ mua sắm tài sản nhà nước…

Chuyên đề