Sẽ kiểm soát chặt xuất xứ với hàng xuất khẩu sang EU

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan sẽ nắm tình hình hàng hóa xuất nhập khẩu sang EU để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.
DN cần nghiên cứu rất kỹ quy tắc xuất xứ quy định tại các hiệp định thương mại tự do, Ảnh: Internet
DN cần nghiên cứu rất kỹ quy tắc xuất xứ quy định tại các hiệp định thương mại tự do, Ảnh: Internet

Những dấu hiệu bất thường có thể là sự gia tăng đột biến, vượt quá năng lực sản xuất, từ đó, cơ quan hải quan có thể áp dụng biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tránh trường hợp khi EU phát hiện gian lận xuất xứ sẽ áp dụng biện pháp về thuế đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa thực hiện theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ngày 15/6/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, hướng dẫn các quy tắc xuất xứ, cũng như kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi theo các cam kết của hiệp định này.

Trong đó quy định rất rõ hình thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa; quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi EU và ngược lại; hình thức giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm hiệu lực, cũng như việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan để hưởng ưu đãi…

Bên cạnh đó, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện đã được quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 62/2019/TT-BTC, gần đây nhất Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2020/TT-BTC hướng dẫn về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cũng như hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong giai đoạn dịch Covid-19.

Đối với các thông tư này, theo ông Tuấn, DN cần lưu ý một số nội dung. Cụ thể, đối với Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định DN nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan khi đăng ký tờ khai, trong trường hợp không có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm đăng ký tờ khai cho phép chậm nộp 30 ngày.

Đặc biệt, tại Thông tư 47/2020/TT-BTC tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo đó, với tờ khai đăng ký trong giai đoạn hiện nay cho phép DN nộp trong thời hạn hiệu lực, có nghĩa là tại thời điểm đăng ký tờ khai DN chưa có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa do vướng vấn đề cách ly xã hội thì DN có thể nộp trong thời hạn hiệu lực. Có nghĩa là không chỉ giới hạn trong 30 ngày mà trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Để thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA, ông Tuấn cho rằng DN cần tham khảo kỹ các quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BCT, Thông tư 38/2018/TT-BTC, Thông tư 62/2019/TT-BTC và Thông tư 47/2020/TT-BTC để tận dụng được ưu đãi từ hiệp định đối với mặt hàng có mức thuế giảm sâu so mới mức cam kết MFN hiện nay.

Cũng liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa, ông Âu Anh Tuấn cho biết, thời gian qua cơ quan hải quan phát hiện một số tình trạng DN lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất sang nước khác trong khi hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định hiệp định.

Hiện Việt Nam đang thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do. Hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi. Trong khi đó Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc lại chưa có hiệp định thương mại tự do với một số đối tác.

Ví dụ Trung Quốc không tham gia CPTPP hoặc chưa có hiệp định tự do với một số đối tác lớn. Trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc bị áp mức thuế rất cao, qua kiểm soát, cơ quan hải quan phát hiện số DN lợi dụng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước khác. Các vụ việc đã được cơ quan hải quan phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Ông Âu Anh Tuấn đề nghị các DN nghiên cứu rất kỹ quy tắc xuất xứ quy định tại các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA.

Chuyên đề