Sau đại dịch, nhu cầu văn phòng cho thuê có những thay đổi lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu thuê văn phòng đang quay trở lại ổn định, được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang dần đạt đà tăng trưởng tốt. Nơi làm việc của tương lai sẽ là một hệ sinh thái mang lại nhiều lựa chọn cho người lao động.
Văn phòng là một công cụ thiết yếu trong việc giữ chân và tuyển dụng nhân tài cũng như truyền đạt thương hiệu và văn hóa của công ty. Ảnh: Internet
Văn phòng là một công cụ thiết yếu trong việc giữ chân và tuyển dụng nhân tài cũng như truyền đạt thương hiệu và văn hóa của công ty. Ảnh: Internet

Tại khu vực TP.HCM, theo Cushman & Wakefield, trong quý I/2022, giá thuê trung bình tăng 0,5% theo quý nhưng vẫn giữ ổn định theo năm. Cụ thể, giá thuê hạng A tăng nhẹ 0,6% theo quý và 0,2% theo năm, đạt mức 59,1 USD/m2/tháng. Trong khi đó, giá thuê hạng B được ghi nhận ở mức 34 USD/m2/tháng, tăng 1,1% theo quý và 0,5% theo năm. Điều này cho thấy, giá thuê đang dần trở lại xu hướng tăng khi các hoạt động kinh doanh dần hồi phục trong điều kiện "bình thường mới" hậu Covid-19.

Trong quý I/2022, Cushman & Wakefield ghi nhận sự gia nhập thị trường của 2 dự án CMC Creative - Quận 7 và Pearl 5 - Quận 3, góp phần đưa tổng diện tích văn phòng tại TP.HCM lên 1.400.100 m2. Lượng hấp thụ thực của văn phòng hạng A và B ở TP.HCM trong quý đạt hơn 24.000 m2, gấp rưỡi so với quý trước và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Diện tích hấp thụ này chủ yếu đến từ các dự án mới, đóng góp 29% tổng lượng hấp thụ. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của hạng A và B là 89,7%.

Cũng trong báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield, trong hai quý vừa qua, mục đích mở rộng văn phòng chiếm 56% tổng lượng giao dịch, chủ yếu các khách thuê đang nhắm đến khu Đông và Nam của Thành phố. Trong đó, giao dịch cho thuê văn phòng chủ yếu đến từ các nhóm ngành: Phát triển phần mềm (19%), Bán lẻ (16%), Ngân hàng (10%), Logistics (16%) và E-commerce/Fintech (16%), các ngành khác (23%).

Đến năm 2025, TP.HCM dự kiến sẽ có hơn 400.000 m2 sàn văn phòng được ra mắt, đến từ những dự án nổi bật ở Quận 1, Quận 2 và Quận 7 như Cobi Towers I & II, Techcombank Tower, The Sun Tower, IFC One, The Hallmark, The Nexus, The Crest Tower B. Hiện tại, thị trường văn phòng TP.HCM vẫn chưa có nhiều nguồn cung tòa nhà hạng A, dù nhu cầu tăng cao do sự đổ về của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn quốc tế gia nhập thị trường luôn yêu cầu một không gian chất lượng, tầm nhìn bao quát và vị trí trung tâm mang tầm khẳng định vị thế để thu hút khách hàng và nhân tài.

Một số công ty thậm chí đang xem xét hoặc đã cho phép nhân viên làm việc từ xa hoàn toàn hoặc bán hoàn toàn. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định: "Mô hình làm việc linh hoạt và tự chủ này giúp việc tuyển dụng nhân tài dễ dàng hơn khi khoảng cách địa lý không còn là yếu tố quan trọng nhất đối với cả người lao động và người thuê, giảm được khá nhiều các loại chi phí hỗ trợ nhà ở, xăng xe phát sinh nếu có. Không chỉ vậy, trong bối cảnh chi phí xăng dầu tăng cao và vẫn tồn tại nhiều nút thắt kẹt xe cao điểm ở các trung tâm văn phòng khu vực Quận 1, Quận 2 và Quận 7, mô hình này trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết".

Dù nhiều khách hàng ghi nhận năng suất lao động khi làm việc từ xa không giảm, họ vẫn cho rằng việc tăng cường làm việc từ xa sẽ ảnh hưởng năng suất dài hạn, văn hóa doanh nghiệp cũng như hoạt động đổi mới và sáng tạo. Việc làm việc từ xa cũng khó khăn hơn nhiều đối với những nhân viên mới và ở cấp độ thấp, cần có thời gian tương tác hòa nhập vào cộng đồng trong công ty cũng như được hướng dẫn trực tiếp từ cấp trên. Làm việc tại nhà đặc biệt khó đối với những gia đình đông đúc hoặc bị hạn chế về không gian nhà ở tại những đô thị lớn, khó có không gian văn phòng dành riêng cho công việc.

Thách thức đặt ra đối với chủ nhà và khách thuê văn phòng là làm thế nào để truyền cảm hứng cho nhân viên lựa chọn đến văn phòng. Một số doanh nghiệp với số lượng nhân viên lớn đã chủ động tích hợp căn tin phục vụ thức ăn và đồ uống trong chính khu vực công ty, điều này nhận được sự ủng hộ lớn từ phía người lao động.

Thực tế cho thấy, mô hình làm việc nửa tuần ở văn phòng đang trở nên phổ biến hơn, nhất là trong những doanh nghiệp thương mại điện tử. Đối với doanh nghiệp, văn phòng là một công cụ thiết yếu trong việc giữ chân và tuyển dụng nhân tài cũng như truyền đạt thương hiệu và văn hóa của công ty.

"Sự phức tạp do đại dịch toàn cầu mang lại đã đòi hỏi nhân viên và tổ chức phải thích ứng để có thể giữ chân người lao động và khuyến khích họ quay lại văn phòng. Nơi làm việc của tương lai sẽ là một hệ sinh thái mang lại nhiều lựa chọn cho người lao động cả về loại không gian làm việc, thời gian làm việc đến các tiện ích xung quanh văn phòng", chuyên gia tại Cushman & Wakefield kết luận.

Chuyên đề