Sẵn sàng với cuộc chơi AI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày càng có nhiều ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng và mang lại hiệu quả đáng kể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công nghệ AI còn rất mới và liên tục thay đổi, do đó, đầu tư vào lĩnh vực này là bài toán dài hạn đòi hỏi nhận thức đúng về tiềm năng, giới hạn, rủi ro và có chiến lược rõ ràng về mô hình kinh doanh.
Trợ lý ảo Vivi - ứng dụng AI trên các mẫu xe điện VinFast hỗ trợ người lái xe thực hiện nhiều tác vụ rảnh tay khi đang di chuyển
Trợ lý ảo Vivi - ứng dụng AI trên các mẫu xe điện VinFast hỗ trợ người lái xe thực hiện nhiều tác vụ rảnh tay khi đang di chuyển

Những viên gạch đầu tiên

Cuối năm 2021, VinBigData (thuộc Vingroup) giới thiệu trợ lý ảo Vivi - ứng dụng AI trên các mẫu xe điện VinFast. Điểm đặc biệt của công nghệ AI trên ViVi là khả năng hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, hiểu được 98% tiếng Việt (nhóm từ phổ thông), phân biệt và hiểu được giọng vùng miền, bóc tách được những yêu cầu, ý định của người dùng. Sản phẩm ứng dụng AI hỗ trợ người lái xe thực hiện nhiều tác vụ rảnh tay khi đang di chuyển như điều khiển xe thông minh, điều hướng - dẫn đường, gọi điện, nhắn tin, âm nhạc, radio… Bên cạnh đó, trợ lý ảo còn có khả năng đối đáp với người lái trong nhiều ngữ cảnh khác nhau.

Tháng 5/2023, Công ty TNHH Công nghệ Cốc Cốc giới thiệu bộ đôi sản phẩm Cốc Cốc AI Chat và Cốc Cốc AI Search tới người dùng Việt Nam. Cốc Cốc AI Chat là chatbot ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM), được phát triển dựa trên mô hình GPT 3.5 và dữ liệu từ Tìm kiếm Cốc Cốc. Người dùng có thể trò chuyện với Cốc Cốc AI Chat để tham khảo câu trả lời về đa dạng chủ đề, sáng tạo nội dung, xử lý các tác vụ liên quan đến ngôn ngữ như tóm tắt, dịch văn bản...

Cốc Cốc AI Search là tính năng cung cấp câu trả lời bằng cách sử dụng AI để tóm tắt nội dung từ các kết quả liên quan đến truy vấn của người dùng nhận kết quả nhanh, chính xác và an toàn hơn mà không phải truy cập nhiều trang web.

Ông Nguyễn Vũ Anh, Tổng giám đốc (CEO) Cốc Cốc cho biết, Công ty tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng và phát triển sản phẩm AI bởi đây là một thị trường khá mới nhưng có rất nhiều tiềm năng phát triển không chỉ trên thế giới mà còn cả ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, AI đã và đang được phát triển trong nhiều lĩnh vực, người dùng Việt Nam có cách nhìn khá cởi mở với công nghệ mới. Sản phẩm Cốc Cốc AI Chat đã nhận được khoảng 50 nghìn người dùng đăng ký trải nghiệm chỉ sau 1 tuần ra mắt.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều ứng dụng của AI đi vào thực tế, mang lại hiệu quả đáng kể cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, các công nghệ AI tạo sinh (generative AI - trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung hoặc dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có) hỗ trợ tự động hóa tối ưu, có thể giúp tăng năng suất lao động lên rất nhiều lần. Rất nhiều công đoạn trong sản xuất, kinh doanh trước đây cần rất nhiều người và thời gian thì nay với sự trợ giúp của các công nghệ AI đã giảm đi. Thậm chí, việc áp dụng các công nghệ AI trong phân tích dữ liệu có thể giúp tạo ra những cơ hội hay mô hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến ứng dụng AI, gần như doanh nghiệp nào chúng tôi tiếp cận cũng đều quan tâm đến AI và lo lắng trước sự thay đổi mà AI đem lại với ngành và thị trường của họ. Điều này cũng có tác động rất lớn từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước như đã công bố và khuyến khích thực thi chiến lược AI quốc gia và truyền thông”, ông Hoài chia sẻ.

Bài toán đầu tư dài hạn

Nhìn nhận về tiềm năng phát triển của AI, ông Nguyễn Vũ Anh cho rằng, điều cốt lõi là phải làm chủ về công nghệ. Đối với các ứng dụng đã được phát triển bởi doanh nghiệp nước ngoài, tiếng Việt được coi là “ngôn ngữ ít tài nguyên”, với khoảng 1% dữ liệu tiếng Việt trong bộ đào tạo GPT và GPT LLM (một mô hình hỗ trợ cho các ứng dụng AI) không được tối ưu hóa cho tiếng Việt. Nếu muốn đưa Việt Nam lên bản đồ AI toàn cầu, chúng ta cần chủ động phát triển một mô hình ngôn ngữ lớn tốt cho tiếng Việt và không phụ thuộc vào công nghệ của các gã khổng lồ trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển tất cả các sản phẩm ứng dụng AI khác. Cốc Cốc AI Chat và AI Search là hai sản phẩm cụ thể ứng dụng mô hình LLM. “Chúng tôi đặt những viên gạch đầu tiên và đang tiếp tục nghiên cứu và huấn luyện LLM để có thể hiểu và làm tốt với tiếng Việt”, ông Nguyễn Vũ Anh nói.

Bên cạnh đó, bài toán đầu tư vào AI là cuộc chơi dài hạn của doanh nghiệp. Để đủ sức cạnh tranh đường dài với những “doanh nghiệp tỷ đô” như OpenAI, Anthropic, cần sự hợp tác của nhiều bên, từ đó tạo thành một liên minh với nguồn lực đủ mạnh về cơ sở dữ liệu, cách thức hoạt động, nhân lực và kinh phí để phát triển công nghệ.

Mặt khác, theo ông Vũ Anh, một vấn đề mà hầu hết doanh nghiệp phát triển ứng dụng AI cũng đang chưa rõ ràng là mô hình kinh doanh. Về điều này, ngay cả những người chơi lớn như OpenAI khi mở ra ChatGPT Plus giá 20 USD/tháng cũng vẫn chỉ là thử nghiệm. Hiện tại, cách tiếp cận của Cốc Cốc là ra mắt sản phẩm trước để học cách áp dụng công nghệ mới này, Cốc Cốc muốn tìm hiểu người dùng về cách thức sử dụng sản phẩm, giá trị sản phẩm mang lại cho họ, từ đó tìm ra các cơ sở người dùng.

Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoài, thách thức đầu tiên với doanh nghiệp Việt trong cuộc đua AI là nhận thức và việc hiểu được những tiềm năng, giới hạn với AI. Các công nghệ AI còn rất mới và liên tục thay đổi nên chủ doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn và kịp thời về tiềm năng, giới hạn, rủi ro của các công nghệ AI. Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI trong doanh nghiệp đòi hỏi sự bài bản, hệ thống và mức độ trưởng thành về số hóa, sự sẵn sàng của dữ liệu trong doanh nghiệp. Hơn nữa, việc ứng dụng sâu, rộng AI trong doanh nghiệp sẽ dẫn đến nhiều thay đổi từ mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh, đến cách thức và văn hóa làm việc. Trong khi đó, chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng cho những điều này. Ngoài ra, việc đầu tư AI cũng gặp phải vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có chuyên môn về AI, Big Data và các dự án AI thường có rủi ro cao vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự chín muồi của công nghệ, mức độ sẵn sàng của dữ liệu, quy trình, kỹ năng, văn hóa cho việc chuyển đổi số và ứng dụng AI...

Theo ông David Lapetina, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Kyanon Digital, các doanh nghiệp lớn có truyền thống am hiểu về công nghệ thông tin đã triển khai AI để cải thiện hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, vấn đề họ cần giải quyết không nằm ở việc hiểu biết về lợi ích của AI mà là ở việc thiết lập chiến lược dữ liệu hiệu quả. Kết quả của việc ứng dụng AI chỉ tốt khi dữ liệu đầu vào cũng tốt, do đó, việc triển khai quản trị dữ liệu và quản lý dữ liệu là chìa khóa của các doanh nghiệp lớn khi ứng dụng AI.

Với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều ứng dụng của AI đi vào thực tế, mang lại hiệu quả đáng kể cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thách thức nằm ở chi phí gia nhập tương đối cao và tỷ suất hoàn vốn (ROI) không rõ ràng. Tuy nhiên, hiện có nhiều giải pháp phần mềm dưới dạng dịch vụ Saas (software as a service) dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, với những phát triển mới nhất trong AI nguồn mở, chi phí ứng dụng AI đang trở nên phải chăng hơn. Hơn nữa, ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ phát triển phần mềm nhanh hơn và hiệu quả hơn, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông David Lapetina, câu hỏi được đặt ra không phải là “Liệu AI có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hay không?” mà là “Làm thế nào để AI tạo ra lợi ích cho doanh nghiệp?”. Đầu tiên là xác định lĩnh vực kinh doanh cho việc ứng dụng AI, điều này đòi hỏi khả năng tính toán ROI rõ ràng. Ví dụ, AI có thể tham gia vào việc tối ưu hóa quản lý mối quan hệ khách hàng để nâng cao dịch vụ và chuyển đổi khách hàng. Một ví dụ khác là AI giúp phát hiện trước các lỗi trong sản xuất của doanh nghiệp.

“Bất kể lĩnh vực kinh doanh và quy mô kinh doanh của bạn là gì, bạn đều có thể hưởng lợi từ AI. Tuy nhiên, để hưởng lợi tối đa từ AI, doanh nghiệp cần xác định các trường hợp sử dụng AI rõ ràng và khả thi. Các trường hợp sử dụng này sẽ giúp sắp xếp các quy trình và khía cạnh tổ chức với các tác động cơ bản của AI. AI không chỉ đơn thuần là một công cụ mới mà là thứ có ảnh hưởng sâu sắc đến tổ chức của các công ty”, ông Lapetina nhấn mạnh.

Tạo thuận lợi cho AI

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng AI nói riêng, các chuyên gia cho rằng, bước đầu tiên mà Chính phủ đã và đang thực hiện là thúc đẩy chiến lược “Made in Vietnam”. Trên trường quốc tế, Việt Nam thường chỉ được coi là một điểm đến cho gia công phần mềm, hơn là một nhà sản xuất các mặt hàng chất lượng cao. Tuy nhiên, nhận thức này đang dần thay đổi, bằng chứng là việc VinFast bán sản phẩm tại Mỹ và gia nhập Nasdaq. Nỗ lực xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” có thể được củng cố hơn nữa thông qua việc quảng bá Datathons, trung tâm đổi mới và vườn ươm cũng như hợp tác quốc tế.

Bước thứ hai, Việt Nam cũng có thể áp dụng các bộ luật như EU và Hoa Kỳ, liên quan đến cân nhắc các vấn đề đạo đức phát sinh cùng với sự ra đời của AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực quyền riêng tư dữ liệu và sở hữu trí tuệ. Do đó, các công ty cần có một tầm nhìn rõ ràng về các quy định chắc chắn sẽ xuất hiện trong những năm tới. Sẽ là một thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nếu các khoản đầu tư đáng kể vào các công nghệ mới này bị ảnh hưởng bởi quy định mới.

Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Hoài, cần có các chương trình đào tạo và cập nhật kiến thức để nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh. Nên có những hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm việc ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (ví dụ các cơ chế thưởng, ưu đãi về thuế khi ứng dụng AI thành công dẫn tới tăng năng suất lao động). Chính sách ưu đãi cho các đơn vị phát triển giải pháp hay đào tạo nguồn lực AI cho doanh nghiệp.

Chuyên đề