Sân chơi EVFTA rộng hơn, thách thức hơn với nhà thầu Việt

(BĐT) - Chương 9 về mua sắm chính phủ (MSCP) trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá có phạm vi mở cửa thị trường rộng hơn so với chương MSCP trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 
Cơ hội mở rộng, nhưng để thắng thầu đòi hỏi nhà thầu Việt phải nâng cao năng lực hơn nữa. Ảnh: Lê Tiên
Cơ hội mở rộng, nhưng để thắng thầu đòi hỏi nhà thầu Việt phải nâng cao năng lực hơn nữa. Ảnh: Lê Tiên

Điều này có nghĩa là cơ hội cũng như thách thức đối với các nhà thầu trong nước trước một thị trường mua sắm công gần 30 quốc gia cũng lớn hơn.

Phạm vi mở cửa của EVFTA rộng hơn CPTPP

So sánh phạm vi mở cửa thị trường MSCP của EVFTA với CPTPP, Bộ Công Thương đánh giá, EVFTA và CPTPP khác nhau chủ yếu về diện cam kết. Trong CPTPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa đối với mua sắm của 21 bộ, ngành trung ương, không cam kết mở cửa đối với mua sắm của các cơ quan cấp địa phương và các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, trong EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm với các cơ quan ở cả cấp trung ương và địa phương.

Theo Bản chào của Việt Nam đối với chương MSCP (Phụ lục 9B) của EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa mua sắm đối với 21 bộ, ngành trung ương, một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng (ngoại trừ hàng hóa và dịch vụ phục vụ mục tiêu an ninh - quốc phòng), 2 địa phương là TP. Hà Nội, TP.HCM và các đơn vị gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 34 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và một số viện thuộc Trung ương.

Ngưỡng mở cửa được quy định cụ thể tại Bản chào theo từng cấp. Chẳng hạn, đối với các cơ quan cấp trung ương, các gói thầu hàng hoá và dịch vụ có giá gói thầu bằng hoặc cao hơn ngưỡng 1.500.000 SDR (quyền rút vốn đặc biệt) trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 1.000.000 SDR; từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 500.000 SDR; từ năm thứ 16 trở đi là 130.000 SDR.

Với gói thầu dịch vụ xây dựng, ngưỡng tối thiểu trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực là 40.000.000 SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 20.000.000 SDR; từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 10.000.000 SDR; từ năm thứ 16 trở đi là 5.000.000 SDR.

Ở cấp địa phương, nhà thầu EU được tham dự các gói thầu hàng hóa và dịch vụ tại các cơ quan cấp địa phương (Hà Nội và TP.HCM) có giá gói thầu bằng hoặc cao hơn ngưỡng 3.000.000 SDR trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 2.000.000 SDR… 

Nâng cao năng lực để tận dụng cơ hội

Theo nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - Mutrap), việc mở cửa thị trường MSCP theo quy định của EVFTA dự kiến sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực nhất định tới Việt Nam. Về tích cực, công tác đấu thầu sẽ minh bạch hơn, tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn. Hàng hóa xuất xứ từ các nước EU có tính bổ sung cho hàng hóa Việt Nam. Nhà thầu Việt có cơ hội tham gia đấu thầu ở một thị trường rộng, có tính chuyên nghiệp cao, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh...

Nghiên cứu của Dự án EU - Mutrap cũng nhấn mạnh những thách thức như khả năng thắng thầu của các nhà thầu Việt trên “sân nhà” sẽ thấp hơn, đồng nghĩa với công ăn việc làm, thị phần của nhà thầu trong nước cũng bị thu hẹp khi mở cửa thị trường MSCP. Theo các nguyên tắc của Chương MSCP, Việt Nam sẽ không được đưa ra các chính sách ưu đãi để ưu tiên mua hàng trong nước… Tuy vậy, lộ trình mở cửa tương đối dài, có thời gian quá độ để ưu tiên hàng hóa, nhà thầu trong nước.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về hợp tác quốc tế cho rằng, việc thực thi EVFTA sẽ mở ra cơ hội làm ăn mới cho nhà thầu Việt Nam ở một thị trường mua sắm có tính chuyên nghiệp cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, để thắng thầu đòi hỏi nhà thầu phải nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, vì những cam kết về MSCP trong EVFTA rất khắt khe.

Một số chuyên gia về đấu thầu cho rằng, nhà thầu trong nước phải chuẩn bị về năng lực một cách chu đáo. Bởi thực tế, các cơ quan mua sắm của EU cũng như nhà thầu EU được đánh giá là yêu cầu cao, nhà thầu Việt không tìm hiểu, không nâng cao năng lực thì không thể có được cơ hội.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kiến nghị, ngoài việc nhà thầu phải nâng cao năng lực thì các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ thông tin, làm cầu nối cho các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận thị trường này…

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) mong muốn, tình trạng nợ đọng văn bản triển khai CPTPP sẽ không tái diễn ở EVFTA.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng khuyến nghị, để EVFTA đi vào cuộc sống, phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu, từ đó có kế hoạch nâng cao năng lực, tận dụng được cơ hội mở ra từ Hiệp định.

Sẽ ban hành nghị định hướng dẫn thực thi EVFTA về đấu thầu

Báo cáo trước Quốc hội ngày 20/5/2020 về việc sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định EVFTA, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo cam kết trong Hiệp định, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định chỉ mở cho các nhà thầu của EU. Do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Cách làm này cũng tương tự như Hiệp định CPTPP mà Chính phủ đã và đang triển khai.

Chuyên đề