Sẵn sàng “chơi chung” một luật

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/01/2019 đánh dấu mốc quan trọng trong  việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ (MSCP) của nước ta.
Thực hiện quy định mua sắm chính phủ trong CPTPP hay EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động mua sắm công; nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu trong nước. Ảnh: Lê Tiên
Thực hiện quy định mua sắm chính phủ trong CPTPP hay EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động mua sắm công; nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu trong nước. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được ký kết và sắp có hiệu lực, Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường MSCP với 28 nước châu Âu. Những hoạt động này cho thấy, “con thuyền Việt Nam đang tiến ra biển lớn”, sẵn sàng “chơi chung” một luật chơi về MSCP với các quốc gia hàng đầu thế giới.

Cửa đã mở…

Ngày 14/01/2019 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế Việt Nam, bởi lẽ, đây chính là ngày CPTPP - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết rất sâu rộng, chặt chẽ ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực MSCP - chính thức có hiệu lực.

Theo Chương 15 của CPTPP, Việt Nam mở cửa thị trường MSCP với 10 nước thành viên. Thực hiện cam kết này, Việt Nam sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu trong khối các nền kinh tế tham gia CPTPP (đấu thầu nội khối) hoặc đấu thầu quốc tế cho phép các nước CPTPP tham dự thầu.

Nguyên tắc cơ bản nhất của MSCP là không phân biệt đối xử, không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra các yêu cầu về chuyển giao công nghệ.

Theo quy định tại Chương 15 - MSCP, các quy tắc, quy trình lựa chọn nhà thầu ở mức độ, yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch.

Về cam kết mở cửa thị trường, theo Phụ lục 15 A - Bản chào của Việt Nam trong Chương MSCP của CPTPP, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường MSCP đối với 21 cơ quan trung ương và 38 đơn vị sự nghiệp.

Về ngưỡng trị giá mua sắm mở cửa, Việt Nam cam kết các chủ thể mua sắm cấp trung ương tổ chức lựa chọn nhà thầu theo CPTPP đối với các gói thầu có giá trị bằng hoặc cao hơn các ngưỡng quy định tuỳ theo tính chất của gói thầu.

Cụ thể, ngưỡng gói thầu hàng hóa và dịch vụ trong 5 năm đầu kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam là 2 triệu SDR (quyền rút vốn đặc biệt), từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 1,5 triệu SDR, từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 1 triệu SDR, từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 20 là 260.000 SDR, từ năm thứ 21 đến hết năm thứ 25 là 190.000 SDR, từ năm thứ 26 trở đi là 130.000 ngàn SDR.

Ngưỡng gói thầu dịch vụ xây dựng trong 5 năm đầu tiên là 65,2 triệu SDR, từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 32,6 triệu SDR, từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 16,3 triệu SDR, từ năm thứ 16 trở đi là 8,5 triệu SDR...

Tương tự, trong EVFTA, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường MSCP với các nước thành viên EU với những nguyên tắc chặt chẽ có phần cao hơn cả CPTPP. Bởi, theo cam kết trong EVFTA, Việt Nam mở cửa thị trường MSCP cả cấp trung ương và địa phương (Hà Nội, TP.HCM) thay vì chỉ mở cửa thị trường MSCP ở cấp trung ương như Hiệp định CPTPP.

Phụ lục 9B của Chương MSCP trong EVFTA quy định, ở cấp trung ương, ngưỡng tối thiểu của gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ mở cửa trong 5 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực là 1,5 triệu SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 1 triệu SDR... Đối với các gói thầu dịch vụ xây dựng, ngưỡng tối thiểu trong 5 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực là 40 triệu SDR; từ năm thứ 6 đến hết năm thứ 10 là 20 triệu SDR; từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 15 là 10 triệu SDR... 

Để “mang chuông đi đánh xứ người”…

SDR là quyền rút vốn đặc biệt, mỗi 1 SDR tương đương khoảng 2 triệu đồng. Ngưỡng mở cửa sẽ được điều chỉnh 2 năm/lần với hiệu lực của mỗi lần điều chỉnh bắt đầu vào ngày 1/1. Lần điều chỉnh đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1/1 của năm thứ 3 từ khi Hiệp định có hiệu lực. Việc tính toán và công bố ngưỡng mở cửa tính bằng đồng Việt Nam dựa trên tỷ giá do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hàng tháng. Tỷ giá là giá trị bình quân hàng ngày của đồng Việt Nam tính theo SDR trong khoảng thời gian 2 năm trước thời điểm ngưỡng điều chỉnh.
Chia sẻ về tác động của việc mở cửa thị trường MSCP đối với hoạt động đấu thầu, nhất là đối với các nhà thầu Việt Nam ngay sau khi Hiệp định EVFTA được ký kết, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, mở cửa MSCP trong CPTPP hay EVFTA thì cũng không khác nhiều so với việc lựa chọn nhà thầu quốc tế hiện nay. Bởi, hiện pháp luật về đấu thầu của Việt Nam đã tiệm cận với thông lệ quốc tế. Theo các cam kết về MSCP, Việt Nam chỉ mở cửa đối với những gói thầu quy mô lớn; với những gói thầu có quy mô nhỏ hơn, chúng ta có một quãng thời gian tương đối dài được phép sử dụng các biện pháp ưu đãi nhà thầu trong nước (offset). “Thực hiện quy định MSCP trong CPTPP hay EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động mua sắm công; nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu trong nước…”, bà Hằng nhấn mạnh.

Nhìn về cơ hội từ mở cửa thị trường MSCP, một chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu cũng cho rằng, khi Chính phủ mở cửa thị trường này chứng tỏ chúng ta đã sẵn sàng chơi chung một luật chơi theo thông lệ quốc tế… Những cam kết trong các chương MSCP là những cam kết rất sâu, rất chặt chẽ, nếu chúng ta không chuẩn bị tốt về năng lực thì khả năng giữ được thị phần là không dễ dàng, chứ chưa nói đến chuyện nhà thầu Việt “mang chuông đi đánh xứ người”.

Theo chuyên gia này, hiện tại, nhà thầu Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực còn rất hạn chế, số lượng nhà thầu lớn không nhiều. Do đó, việc mở cửa thị trường MSCP cũng đồng nghĩa với nỗi lo về năng lực cạnh tranh của nhà thầu nội.

Khuyến nghị các nhà thầu Việt, chuyên gia đấu thầu nhấn mạnh, để giữ thị phần - “miếng bánh trên sân nhà”, nhà thầu buộc phải nâng cấp nhiều mặt về năng lực, kinh nghiệm, uy tín… “Theo cam kết, chúng ta có lộ trình thực hiện quy định về MSCP. Đây chính là cơ hội để nhà thầu trong nước phải tự xây dựng năng lực, kinh nghiệm, uy tín của mình để có thể “chiến đấu” giành thị phần ngay trên “sân nhà”. Khi năng lực tốt hơn, nhà thầu trong nước có thể tiến sâu hơn vào các thị trường MSCP các nước thành viên lân cận như: Malaysia, Brunei… và các thị trường khó tính khác”, vị chuyên gia nói. Về dài hạn, khoảng 20 năm sau, các nhà thầu trong nước cũng phải cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu các nước thành viên của các FTA mà Việt Nam tham gia. 

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện CPTPP về đấu thầu, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 11/2019. Nghị định này quy định việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu theo cam kết của Việt Nam trong CPTPP, đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ trong Hiệp định. Các chuyên gia nhìn nhận, việc tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định cũng là điều kiện tốt để nhà thầu đóng góp ý kiến cũng như nâng cao hiểu biết, nắm chắc cam kết để chuẩn bị cho mình năng lực tốt nhằm nắm lấy các cơ hội mở ra từ Hiệp định.

Chuyên đề