Cộng đồng doanh nghiệp Việt sẽ bước vào sân chơi rộng lớn dành cho nhà thầu của các quốc gia là thành viên của CPTPP và EVFTA |
Đáp ứng yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm công, Báo Đấu thầu là tờ báo duy nhất của Việt Nam thực hiện “sứ mệnh” công khai thông tin, tạo thuận lợi cho các nhà thầu, nhà quản lý của gần 40 quốc gia thành viên của 2 FTA thế hệ mới này tiếp cận nguồn thông tin một cách chính thống, tập trung về thị trường mua sắm công tại Việt Nam.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định là sân chơi chung cho 11 quốc gia với khoảng 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 14,4% quy mô thương mại thế giới. Đây cũng là hiệp định đầu tiên mà Việt Nam tiến hành mở cửa thị trường mua sắm chính phủ.
Tháng 6/2019, Việt Nam chính thức ký kết EVFTA, Hiệp định có sự tham gia của 28 quốc gia thành viên. Theo các điều khoản Việt Nam cam kết mở cửa được quy định tại Hiệp định EVFTA, các thông tin về mua sắm chính phủ như: thông báo mời thầu, thông báo tóm tắt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các thông tin sau khi trao hợp đồng… sẽ được đăng tải công khai trên Báo Đấu thầu.
Với vai trò là kênh thông tin tập trung, chính thống về mua sắm công tại Việt Nam, Báo Đấu thầu sẽ đảm nhận nhiệm vụ công khai, minh bạch thông tin về các gói thầu/dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của 2 hiệp định lớn này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho rằng, khi Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công, quy định đăng tất cả thông tin đấu thầu nằm trong phạm vi điều chỉnh của CPTPP và EVFTA lên Báo Đấu thầu sẽ tạo thuận lợi cho các nhà thầu nước ngoài trong việc tiếp cận thông tin về thị trường mua sắm công Việt Nam. Lúc đó, Báo Đấu thầu là “địa chỉ đỏ” về thông tin tin cậy, chính thống, tập trung để nhà thầu nước ngoài tìm hiểu và tham gia đấu thầu tại Việt Nam. “Ở góc độ nhà thầu trong nước, chúng tôi cũng sẽ cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, đấu thầu “sòng phẳng” với các nhà thầu nước ngoài để không mất đi thị phần xây dựng trong nước, mặt khác chúng tôi cũng sẽ nỗ lực để liên kết, liên danh với nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu các gói thầu ở các quốc gia khác là thành viên của CPTPP và EVFTA”, ông Thọ bình luận.
Nhiều chuyên gia thì cho rằng, việc được chọn để công khai, minh bạch thông tin về hoạt động mua sắm công thuộc phạm vi điều chỉnh của CPTPP, EVFTA cho thấy, vai trò, vị thế của Báo Đấu thầu đã được nâng lên. Tuy nhiên, vai trò, vị thế cao hơn cũng đồng nghĩa với trách nhiệm sẽ nặng nề hơn. Với những gói thầu trong phạm vi điều chỉnh của CPTPP, EVFTA, thông tin về đấu thầu sẽ được công khai rộng hơn, phải đảm bảo quy chuẩn quốc tế, điều kiện quốc tế, những quy định ràng buộc mang tính quốc tế.
Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), ở tầm quốc gia, Báo Đấu thầu là kênh thông tin đầu mối, duy nhất của Việt Nam công khai một cách đầy đủ, có hệ thống thông tin về đấu thầu, khắc phục được tình trạng đăng tải tản mác, rải rác, phân tán thông tin đấu thầu ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Báo Đấu thầu đã giúp nhà thầu nắm bắt, tiếp cận thông tin đấu thầu, các cơ hội việc làm một cách dễ dàng và kịp thời nhất; giảm thiểu được hành vi né tránh, hạn chế công khai thông tin đấu thầu của một số chủ đầu tư/bên mời thầu.
Ông Lê Văn Tăng nhấn mạnh, khi được quy định là tờ báo thực hiện công khai các thông tin về mua sắm chính phủ trong các hiệp định, rõ ràng vai trò, trách nhiệm và vị thế của Báo Đấu thầu đã ở “tầm” quốc tế, cái tên “Vietnam Public Procurement Newspaper” được nhà thầu quốc tế biết đến như là cánh cửa mở ra cho họ cơ hội việc làm tại thị trường mua sắm chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, Báo Đấu thầu cần phải nâng cao năng lực, tăng cường chất lượng của hệ thống thông tin đấu thầu được công khai, phát triển đúng tầm vị thế mới của mình, luôn là nguồn tin tin cậy, bài bản, chính thống, kịp thời cho các nhà thầu quốc tế không chỉ của 2 hiệp định nói trên mà còn của các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam sắp sửa ký kết trong tương lai.