Để giành được thắng lợi trên “sân chơi” mới đầy tiềm năng và cạnh tranh như CPTPP, nhà thầu Việt trước hết phải linh hoạt, chủ động nắm bắt thông tin. Ảnh: Lê Tiên |
Để giúp các nhà thầu Việt tận dụng cơ hội, công tác phổ biến, tuyên truyền về Chương Mua sắm chính phủ (MSCP) đã được xem trọng ngay từ đầu…
Lần đầu tiên mở cửa thị trường mua sắm chính phủ
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay mà Việt Nam ký kết. Bởi, với CPTPP, bên cạnh cam kết thuộc các lĩnh vực truyền thống (cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại), còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống (lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước). Đặc biệt, tham gia CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường MSCP. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong lịch sử hoạt động mua sắm công lâu nay.
Cũng như Luật Đấu thầu, Chương MSCP (Chương 15) của CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên ở mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch.
CPTPP đưa ra các nguyên tắc cơ bản nhất của MSCP là không phân biệt đối xử, không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra các yêu cầu về chuyển giao công nghệ.
Tại Chương MSCP, Việt Nam thông báo tới các nước thành viên danh sách các cơ quan mua sắm, ngưỡng giá gói thầu "mở cửa", danh mục hàng hóa, dịch vụ… “mở cửa”.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện để chuẩn bị trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11/2019. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ Hiệp định CPTPP trong công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định.
Về giá gói thầu, trong thời gian từ 14/1/2019 cho đến 31/12/2019, các gói thầu có giá bằng hoặc cao hơn ngưỡng dưới đây sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Cơ quan mua sắm cấp trung ương có gói thầu mua sắm hàng hóa, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn với giá từ 2.000.000 SDR trở lên (tương đương khoảng 68 tỷ đồng); gói thầu xây lắp có giá gói thầu từ 65.200.000 SDR trở lên (tương đương khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng). Các cơ quan khác áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, tư vấn, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu từ 3.000.000 SDR trở lên (tương đương khoảng 102 tỷ đồng); gói thầu xây lắp có giá gói thầu từ 65.200.000 SDR trở lên (tương đương khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng). Giá gói thầu trong các năm tiếp theo được quy định chi tiết trong Bản chào. Hướng dẫn cũng quy định rõ cơ quan mua sắm và danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng.
Phổ biến, tuyên truyền đi trước một bước
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để nhà thầu Việt có thể giành thắng lợi trên “sân chơi” mới đầy tiềm năng và cạnh tranh này là phải linh hoạt, chủ động nắm bắt thông tin. “Thông tin ở đây chính là các quy định, cam kết, thông tin về thị trường, về đối thủ trong nội khối CPTPP…”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, càng công khai, minh bạch các thông tin MSCP sẽ càng giúp tranh thủ được vốn và hiệu suất của đầu tư. Các doanh nghiệp, nhà thầu có lợi thế so sánh khi làm, giúp mang lại hiệu quả cao hơn và giá thành có thể rẻ hơn khi có sự cạnh tranh. “Nếu làm tốt công khai, minh bạch sẽ giúp chống được tham nhũng, tiêu cực, thể hiện được tinh thần tiết kiệm trong lĩnh vực này. Như vậy, người dân sẽ có niềm tin vào Chính phủ, còn các nước sẽ đánh giá cao về việc thực hiện cam kết của Việt Nam”, ông Lợi nói.
Xác định công tác phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định, đặc biệt là nội dung Chương MSCP, như là “chìa khóa” mở ra cánh cửa cơ hội cho các nhà thầu Việt chinh phục một thị trường kinh doanh rộng lớn, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp cho hoạt động này.
Cụ thể, ngay sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/1/2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Hiệp định nhằm đảm bảo các cam kết của Hiệp định được thực thi đầy đủ, nhất quán giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương. Một trong 5 nhóm nội dung quan trọng của kế hoạch này là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức về Hiệp định nói riêng và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia nói chung cho các đối tượng liên quan.
Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì hội nghị, tọa đàm nhằm phổ biến, giới thiệu những cam kết của Việt Nam trong Chương MSCP tới các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, người dân… Kế hoạch thực hiện CPTPP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tháng 4/2019 cũng nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định để giới thiệu, phổ biến các quy định liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do Bộ chủ trì đàm phán. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, hiểu đúng nội dung cam kết, làm cơ sở thực hiện hiệu quả Hiệp định. Cũng tại kế hoạch này, vai trò của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Đấu thầu, được nhắc tới nhằm giới thiệu, phổ biến các tài liệu, nghiên cứu, bình luận về nội dung và cam kết của Hiệp định.