Ray Dalio: Mỹ cần “một liều” thịnh vượng chung như Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates với quy mô 150 tỷ USD, mới đây lên tiếng kêu gọi các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ông cũng dành nhiều lời khen cho chiến dịch thúc đẩy sự thịnh vượng chung đang được triển khai tại Trung Quốc...
Tỷ phú Ray Dalio - Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú Ray Dalio - Ảnh: Bloomberg

“Việc thúc đẩy thịnh vượng chung của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp phân phối lại tài sản và cơ hội một cách công bằng hơn cho mọi người, cho phép nền kinh tế thu hút được nhiều nhân tài hơn. Các nhà đầu tư quốc tế thường hiểu lầm về chiến dịch này”, ông Dalio nói trong một video được chai sẻ tại một hội nghị đầu tư của UBS Group AG mới đây. “Trước tiên bạn trở nên giàu có, sau đó bạn phải phân phối những cơ hội đó theo cách bình đẳng hơn. Với hệ thống riêng của mình, Mỹ cần sự thịnh vượng chung và các quốc gia khác cũng vậy”.

Những bình luận của tỷ phú Dalio được đưa ra trong bổi cảnh sự ủng hộ của ông dành cho Trung Quốc gần đây hứng chịu nhiều chỉ trích từ các chính trị gia và gây căng thẳng giữa ông với cựu CEO của Bridgewater Associates, David McCormick – người đang cân nhắc ra tranh cử nghị sĩ tại Thượng viện Mỹ.

Từ năm 1993, công ty Bridgewater của ông Dalio đã bắt đầu quản lý tiền đầu tư cho các quỹ nhà nước của Trung Quốc, bao gồm khoảng 5 tỷ USD cho quỹ quốc gia China Investment Corp. và Ủy ban Quản lý Ngoại hối Nhà nước. Tháng 11/2021, Bridgewater huy động được 8 tỷ Nhân dân tệ (1,3 tỷ USD) cho một quỹ tư nhân mới tại Trung Quốc và trở thành quỹ đầu cơ toàn cầu lớn nhất hoạt động tại quốc gia này.

Ở Trung Quốc, chiến dịch thịnh vượng chung của Chính phủ nhằm giải quyết khoảng cách giàu nghèo lớn và kéo dài từ lâu, có liên quan tới một loạt động thái của nhà chức trách nhằm vào lĩnh vực công nghệ thời gian gần đây và khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế quan ngại.

Giới chức Trung Quốc cũng đang cố gắng kiềm chế những điều mà chính phủ xem là “sự thái quá” của xã hội, bao gồm các cộng đồng người hâm mộ của người nổi tiếng, các trường luyện thi hay hoạt động chơi video game.

Năm 2021, Chỉ số MSCI của chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 23% - mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 khi các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về môi trường chính trị cũng như các biện pháp phòng chống dịch theo kiểu “không Covid” (zero Covid) của nước này.

Gần 40 năm qua, ông Dalio thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ và “niềm đam mê” của mình dành cho Trung Quốc, trong đó không ít lần gây tranh cãi. Năm 1995, tỷ phú này đã đưa con trai Matt của mình, khi đó mới 11 tuổi, sang sống và học tại một trường ở Bắc Kinh trong một năm.

“Bạn chẳng biết được các tài năng hàng đầu sẽ đến từ đâu. Rất có thể họ đến từ nhóm người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bởi tài năng đến từ những người biết chăm chút nhất”, ông Dalio nói về động lực của chiến dịch thịnh vượng chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. "Bạn thu hút các tài năng đó và làm có nền kinh tế vốn đã tốt trở nên thịnh vượng hơn và tạo ra một hệ thống công bằng hơn”.

Trước đó, vào tháng 10/2021, vị tỷ phú này cho biết ông sẵn sàng nộp thêm thuế nếu như số tiền thuế đó sẽ được sử dụng vào mục đích tốt như thúc đẩy cơ hội bình đẳng và tăng năng suất lao động.

Thời gian gần đây, những động thái siết quản lý liên tục của Bắc Kinh gây chia rẽ trên Phố Wall, làm dấy lên đồn đoán về các “nạn nhân” tiếp theo. Nhà đầu cơ nổi tiếng George Soros năm ngoái đã thẳng thắn chỉ trích các chính sách của ông Tập Cận Bình, nói rằng việc “rót hàng tỷ USD vào Trung Quốc hiện giờ là một sai lầm thảm họa”. Trong khi đó, Scott Minerd, Giám đốc đầu tư của Guggenheim Partners tháng 10 năm ngoái cũng nói rằng “Trung Quốc là nước không thể đầu tư”.

Ngược lại, ông Dalio cho rằng Mỹ mới là nơi rủi ro hơn cho các nhà đầu tư khi sử dụng các tiêu chí như việc tạo thu nhập của nền kinh tế so với chi phí, tài sản so với nợ, cũng như trật tự nội bộ và nguy cơ xảy ra xung đột bên ngoài.

“Những gì mà hầu hết chúng ta đều thấy là Mỹ đang đối mặt nhiều yếu tố rủi ro hơn, những thứ khác như trình độ học vấn, lợi thế cạnh tranh, v.v. cũng đang suy giảm”, ông nói. “Dù công nghệ vẫn là điểm sáng của Mỹ, nhưng tốc độ thay đổi đang chậm hơn so với Trung Quốc”.

Chuyên đề