Ráo riết thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ năm 2018 đến nay, cơ quan thuế đã thu được hơn 6.200 tỷ đồng tiền thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới. Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng dữ liệu và đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra để tăng cường hiệu quả thu thuế thương mại điện tử (TMĐT).
6 tháng đầu năm 2022, số thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới đạt gần 760 tỷ đồng. Ảnh: NC st
6 tháng đầu năm 2022, số thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới đạt gần 760 tỷ đồng. Ảnh: NC st

Tổng cục Thuế cho biết, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.

Để quản lý hiệu quả nguồn thu từ hoạt động này, ngành thuế đã làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Theo đó, đã ký kết thỏa thuận với Bộ Công Thương để chia sẻ cơ sở dữ liệu, khai thác thông tin, ký thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông để khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới; danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; doanh nghiệp trong nước có hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông và sử dụng tài nguyên kho số.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công An xây dựng chương trình làm việc để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế.

Nhờ đó đã đạt kết quả tích cực trong việc quản lý thu thuế từ hoạt động kinh doanh này. Về quản lý thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, số thu từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến 29/6/2022 đạt 5.432 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2022 có số thu đạt gần 760 tỷ đồng.

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, lũy kế từ 2018 đến hết tháng 5/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng. Trong đó, có một số Cục Thuế có số thu lớn như: Cục Thuế Hà Nội với số thu khoảng 358 tỷ đồng, Cục Thuế TP.HCM với số thu khoảng 146 tỷ đồng, Cục Thuế Đà Nẵng với số thu khoảng 67 tỷ đồng.

Một số trường hợp cá nhân có phát sinh thu nhập cao, qua công tác tuyên truyền hỗ trợ của cơ quan thuế đã tự giác kê khai nộp thuế bổ sung. Điển hình: 1 cá nhân tại TP.HCM đã kê khai thu nhập phát sinh năm 2020, 2021 từ hoạt động sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo trên Google là 434 tỷ đồng và phải nộp tiền thuế lên đến 30,3 tỷ đồng; 1 cá nhân khác tại TP.HCM cũng phát sinh thu nhập từ Google trong năm 2020, 2021 là 227 tỷ đồng với số thuế phải nộp là 15,9 tỷ đồng; 1 cá nhân tại Hà Nội sản xuất phần mềm và có nguồn thu từ quảng cáo có phát sinh doanh thu hơn 330 tỷ đồng và đã nộp thuế năm 2020 là 23,4 tỷ đồng.

Ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết, để quản lý thu thuế hiệu quả, cơ quan này đề xuất UBND Thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng cung cấp dữ liệu giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân trong nước. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ thuế phải nộp của các tổ chức nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam do cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Apple, Netflix, Agoda, Booking... trước khi chuyển tiền ra nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện một số giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thuế TMĐT.

Theo đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.

Tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế. Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.

Đồng thời, tiếp tục thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.

Chuyên đề