Quy chuẩn, tiêu chuẩn cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Doanh nghiệp (DN) trong nước bị áp đặt quá mức cần thiết tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực y tế so với thế giới khiến chi phí tuân thủ trở thành gánh nặng lớn, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Câu chuyện này không phải là mới, mà đã được đề cập đến trong nhiều năm nay, nhưng theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tồn tại này cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Quy chuẩn kỹ thuật là các mức giới hạn đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội. Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Sản phẩm hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn (Nhóm 1) chỉ cần áp dụng tiêu chuẩn do người sản xuất công bố; sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2) phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải chịu sự ràng buộc của các quy định quản lý chặt chẽ hơn (phải công bố sản phẩm, hàng hóa hợp quy). Điều này là cần thiết, nhằm kiểm soát những rủi ro của loại hàng hóa, sản phẩm tác động đến các lợi ích công cộng (tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng). Vì vậy, việc xác định chính xác loại sản phẩm, hàng hóa nào thuộc Nhóm 2 và phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật là rất quan trọng. Nếu đưa loại hàng hóa Nhóm 1 vào Nhóm 2 sẽ khiến cho DN gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý.

Theo quy định tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt (áp dụng từ 15/3/2017) và bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (áp dụng từ 15/3/2018).

Theo phản ánh của nhiều hiệp hội DN, các quy định này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng chi phí quá mức, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; trong khi không đạt hiệu quả quản lý, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ thừa i-ốt cho một bộ phận người dân. Có DN chế biến thực phẩm mỗi năm chi phí tăng thêm hơn 39 tỷ đồng do quy định này; như vậy qua 6 năm, chi phí lên tới 235 tỷ đồng (chưa tính chi phí cơ hội về vốn). Bất cập chính sách này khiến nhiều DN không thể điều chỉnh lịch sản xuất giữa nội địa và xuất khẩu, không thể gánh được chi phí gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu và buộc phải hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu sang một số thị trường.

Từ khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP ban hành, theo TS. Nguyễn Minh Thảo, các hiệp hội DN đã liên tục có nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Y tế với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các DN. Tuy vậy, đã 6 năm trôi qua, bất cập vẫn tồn tại và rủi ro bởi quy định này vẫn đang đè nặng DN; làm trầm trọng thêm những khó khăn, nhất là trong giai đoạn nỗ lực phục hồi sau dịch bệnh.

Không những vậy, câu chuyện xây dựng pháp luật của 6 năm trước tái lặp ở thời hiện tại đối với Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong đó có nhiều quy định chưa thực sự phù hợp (phiên bản tháng 8/2022).

Theo bản thuyết minh, căn cứ xây dựng Dự thảo dựa vào Phụ lục III Hướng dẫn của ASEAN về giới hạn các chất ô nhiễm đối với thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là không đủ thuyết phục. Hướng dẫn này hiện đang dưới dạng dự thảo và chỉ có thể được coi là tài liệu tham khảo chính thức khi Thoả thuận ASEAN về khung pháp lý cho thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được thông qua. Trong khi không thể định trước thời gian để “Nhóm công tác các thuốc dân gian và sản phẩm bảo vệ sức khoẻ của ASEAN” hoàn thiện Hướng dẫn, việc sử dụng văn bản dưới dạng dự thảo này làm căn cứ sẽ đem lại rủi ro chính sách cho cả cơ quan quản lý và DN Việt Nam.

Theo ý kiến của một số DN, việc áp dụng gần như hoàn toàn nội dung của Hướng dẫn ASEAN là đặt ra các tiêu chuẩn quá cao (ở một số chỉ tiêu là cao hơn cả mức giới hạn của Mỹ, EU) sẽ gây rất nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu. Nhiều ý kiến của DN cho rằng, việc phân loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ căn cứ vào phương pháp chế biến và phương pháp sử dụng thành phẩm thành 6 loại để đưa ra các mức giới hạn vi sinh vật khác nhau như Dự thảo hiện tại là chưa đủ rõ ràng, trùng lặp và chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng trên thực tế.

Bản thuyết minh Dự thảo cũng không đưa ra được lý do, căn cứ phân loại các nhóm thực phẩm, liệu có nghiên cứu thực tiễn đặc điểm các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam hay không. Trong khi đó, Việt Nam có nguồn nguyên liệu từ thảo dược phong phú với những bài thuốc lâu đời đang ngày càng được phát triển phổ biến thành các dạng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có đặc điểm rất riêng so với các quốc gia khác.

Theo ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Nhóm nghiên cứu Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc áp đặt những tiêu chuẩn bắt buộc quá mức cần thiết nêu trên sẽ khiến DN mất thêm nhiều chi phí, từ việc thay đổi quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, hay tốn chi phí và thời gian để chứng nhận hợp quy sản phẩm. Người tiêu dùng thiếu các lựa chọn có giá cả phải chăng hơn. Tính cạnh tranh của thị trường cũng có thể bị ảnh hưởng nếu chi phí tuân thủ quá cao và chỉ một số DN lớn có thể đáp ứng được.

“Việc có nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho DN tồn tại trong thời gian dài, không được giải quyết triệt để đặt ra câu hỏi về tính thực chất của các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ hàng năm của các bộ ngành”, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI băn khoăn.

Chuyên đề