Phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 1 năm rưỡi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) Việt Nam suy giảm mạnh, nhiều DN đã phải đóng cửa... Giải pháp nào để vừa khôi phục lại các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị bị đứt gãy, sớm vực dậy DN, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch là vấn đề rất cấp bách hiện nay.
Nhiều ý kiến ủng hộ giải pháp trao quyền cho doanh nghiệp chủ động lựa chọn mô hình và phương thức sản xuất cũng như phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ý kiến ủng hộ giải pháp trao quyền cho doanh nghiệp chủ động lựa chọn mô hình và phương thức sản xuất cũng như phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Không “mọc” thêm rào cản

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một trong những lý do khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn là nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp phòng dịch một cách cứng nhắc, thiếu thống nhất hoặc đưa ra quyết định vội vàng, thiếu sự tham vấn của DN. Cùng với đó là thiếu hướng dẫn rõ ràng nên có nơi, có lúc đã đưa ra những quy định khác nhau, thậm chí can thiệp sâu vào hoạt động của DN…

Để khôi phục các chuỗi giá trị bị đứt gãy, phục hồi sản xuất cho DN trong bối cảnh mới, bà Thảo cho rằng, cần thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh đồng bộ gắn với giải pháp hỗ trợ DN và người lao động. “Chính quyền phải gần với DN hơn, lắng nghe DN để đưa ra các biện pháp linh hoạt vừa bảo đảm phòng dịch vừa duy trì sản xuất”, bà Thảo nói.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế vẫn có nhiều chính sách mà cơ quan cấp địa phương ban hành thể hiện sự thiếu cân nhắc, khiến DN rất lo ngại. Để giúp DN nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, các chính sách ban hành phải được chuẩn bị bài bản, thống nhất hơn… Nếu đưa ra một quy trình, một thủ tục thì cần có tiêu chí rõ ràng, có tính tin cậy cao, tránh tình trạng xin - cho…

Trước thông tin từ ngày 24/9/2021, các DN quản lý shipper tại TP.HCM sẽ tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ nhân viên của đơn vị mình, đại diện CIEM cho rằng, đây là phương án tốt và nên được nhân rộng. Chính quyền cần trao quyền cho DN dưới nhiều hình thức nhằm giúp họ chủ động lựa chọn mô hình và phương thức sản xuất cũng như phòng, chống dịch.

“Không đóng cửa DN nếu lây nhiễm trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt; tránh tình trạng áp dụng cứng nhắc phương thức tổ chức sản xuất 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến như thời gian qua…”, bà Thảo khuyến nghị.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho DN

Hiến kế khôi phục lại các chuỗi sản xuất, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ 14 hiệp hội DN sử dụng nhiều lao động như: Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội DN điện tử Việt Nam… đề xuất thực hiện Chiến lược “Phòng, chống dịch theo điểm”, phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Cụ thể, các DN đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị phòng, chống dịch mới thay thế Chỉ thị số 15, 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn mới, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19 ”. Chỉ thị mới cần phải quy định thống nhất các tiêu chí, điều kiện phòng, chống dich, phục hồi kinh tế và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Cùng với đó, các hiệp hội này kiến nghị các địa phương thành lập tổ công tác hỗ trợ DN nhằm kịp thời hỗ trợ DN; thống nhất một phần mềm quản lý; quản lý dịch bệnh theo điểm (không áp dụng phong tỏa cách ly theo vùng địa lý)…

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, vắc xin là yếu tố then chốt, là chìa khóa để Việt Nam tái mở cửa và phục hồi kinh tế. Mặt khác, 4 hiệp hội DN nước ngoài đề nghị, Việt Nam cần có những hướng dẫn nghiên cứu cụ thể về cách vận hành, điều phối, các quy định liên quan đến “thẻ xanh” “thẻ vàng” Covid-19 để phục vụ tái mở cửa.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết, đối với nhóm ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử…, Bộ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ chân khách hàng, chuỗi cung ứng. Việc này trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ. Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng cường tìm kiếm, kết nối các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề