Phòng vệ thương mại hai chiều hiệu quả: Mở đường cho hàng Việt vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng hóa của Việt Nam đang từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong quá trình “vươn mình” ra biển lớn, hàng Việt phải đối mặt với những thách thức lớn trong đó có việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) và áp lực cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa từ nước ngoài. Trước bối cảnh đó, việc đẩy mạnh công tác PVTM hai chiều đồng bộ, hiệu quả sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong nước lớn mạnh, giúp khơi thông nguồn lực phát triển.
Số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có sự gia tăng trong năm 2024. Ảnh: Nhã Chi
Số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có sự gia tăng trong năm 2024. Ảnh: Nhã Chi

Hàng Việt trước nhiều thách thức

Tháng 12/2024, Indonesia có thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm nhựa polypropylene homopolymer (mã HS 3902.10.40) có xuất từ một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo thông báo, nguyên đơn - Công ty PT Chandra Asri Pacific Tbk cáo buộc sản phẩm nhựa polypropylene homopolymer nhập khẩu (NK) hoặc có xuất xứ từ Việt Nam và một số quốc gia khác đã bị bán phá giá là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa Indonesia.

Trước đó, Canada cũng khởi xướng rà soát đối với sản phẩm ghế bọc đệm nhập khẩu từ Việt Nam hay điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Việt Nam; Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Việt Nam…

Theo Cục PVTM thuộc Bộ Công Thương, còn rất nhiều vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam thời gian qua. Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, năm 2024, có sự gia tăng đáng kể về số lượng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng XK Việt Nam, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.

“Năm 2024, có 26 vụ việc điều tra PVTM từ nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam, trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra PVTM nhiều nhất”, đại diện Cục PVTM cho biết.

Tính đến hết năm 2024, hàng XK Việt Nam phải đối mặt với khoảng 272 vụ việc điều tra PVTM từ các thị trường, bao gồm: 149 vụ điều tra chống bán phá giá, 54 vụ việc tự vệ, 39 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 30 vụ chống trợ cấp. Các cuộc điều tra đối với hàng XK Việt Nam xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn, sản phẩm bị điều tra đa dạng hơn, không chỉ tập trung vào những mặt hàng có kim ngạch XK lớn hay các mặt hàng công nghiệp có tính cạnh tranh mạnh, mà còn cả những mặt hàng có kim ngạch XK trung bình và nhỏ như: máy cắt cỏ, mật ong...

Ở trong nước, nhiều hàng hóa NK tràn vào thị trường nội địa có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp gây thiệt hại cho một số ngành sản xuất như thép, đường mía, ván sợi gỗ, tháp điện gió…

Một số hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Ảnh: Tuấn Anh

Một số hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Ảnh: Tuấn Anh

Tăng cường các giải pháp ứng phó đồng bộ, hiệu quả

Theo Bộ Công Thương, hội nhập quốc tế về kinh tế mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hàng hóa XK của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời nhập khẩu có sự đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào các nguồn cung cấp truyền thống. Chất lượng cũng như mẫu mã, giá cả hàng Việt ngày cải thiện và được người tiêu dùng quốc tế tin cậy, lựa chọn. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn…

Tuy nhiên, quá trình hội nhập cũng đặt ra một số thách thức như việc cắt giảm thuế NK dẫn đến sự gia tăng của hàng hóa NK từ các nước, trong đó không loại trừ có những mặt hàng giá rẻ do có những hành vi cạnh tranh không công bằng, tác động đến các ngành sản xuất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, để bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều quốc gia NK đã áp dụng các biện pháp PVTM để hạn chế hàng XK của Việt Nam.

Vì vậy, theo Cục PVTM, công tác phòng vệ thương mại cần được triển khai ở cả hai chiều để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Để bảo vệ DN trong nước, Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp PVTM một cách đồng bộ, hỗ trợ các DN sản xuất, XK bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm…

Về kết quả cụ thể, ông Chu Thắng Trung cho hay, việc điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đã góp phần bảo vệ, tạo lập lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh một số hàng hóa NK có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra tổng cộng 55 vụ việc PVTM. “Nhờ việc áp dụng biện pháp PVTM hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không công bằng, từ đó tạo điều kiện để DN trong nước phát triển, tạo việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế”, ông Trung nhấn mạnh.

Trước các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài, cơ quan PVTM vào cuộc hỗ trợ các DN nhằm tránh nguy cơ nước ngoài lạm dụng các biện pháp PVTM, giảm tối đa tác động tiêu cực của vụ việc đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh DN không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN XK sang các thị trường quan trọng như: Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ… Nhiều DN XK đã không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường XK.

Ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam chia sẻ, năm 2024, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp nhôm đùn ép NK từ 14 thị trường, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với nhôm đùn ép NK vì trong quá trình điều tra, Hiệp hội đã rất tích cực phối hợp với cơ quan PVTM; còn DN Việt Nam chứng minh được việc kinh doanh lành mạnh. Những nỗ lực tự bảo vệ chính mình đang và sẽ giúp các DN Việt Nam thúc đẩy XK, góp sức cho kinh tế đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư