Phía sau con số nợ xấu của các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với việc các ngân hàng thực hiện gia hạn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, bên cạnh lợi nhuận và nợ xấu, số liệu đáng chú ý để đánh giá sức khỏe ngân hàng là mức trích lập dự phòng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Con số này hiện có mức chênh lệch rất lớn giữa các ngân hàng thương mại.
Nợ xấu ngân hàng sẽ tăng đáng kể vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, khi chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hiệu lực. Ảnh: Trần Việt
Nợ xấu ngân hàng sẽ tăng đáng kể vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, khi chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 hết hiệu lực. Ảnh: Trần Việt

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, đến nay, tổng dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là hơn 210 nghìn tỷ đồng. Cũng theo cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là dưới 2%, nợ xấu đang có xu hướng tăng từ tháng 3 đến nay nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, nghiên cứu của một số công ty chứng khoán về hoạt động của ngành ngân hàng bày tỏ lo ngại về rủi ro nợ xấu đang gia tăng. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, các quy định cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và phân loại nhóm nợ đang “phủ lớp son” lên báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại. Hay nói cách khác, lợi nhuận và nợ xấu có thể chưa được phản ánh đầy đủ trong báo cáo tài chính của các ngân hàng và nợ xấu sẽ lộ diện sau khi các quy định cơ cấu thời hạn trả nợ kết thúc.

Còn theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay, lợi nhuận có thể không phản ánh đầy đủ chất lượng kết quả hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận của ngành ngân hàng niêm yết trong quý II đã tăng đến 16% so với quý trước và 22% so với cùng kỳ năm trước bất chấp thực trạng đây là quý II có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 33 năm qua.

Trong tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay, lợi nhuận có thể không phản ánh đầy đủ chất lượng kết quả hoạt động kinh doanh. Lợi nhuận của ngành ngân hàng niêm yết trong quý II đã tăng đến 16% so với quý trước và 22% so với cùng kỳ năm trước bất chấp thực trạng đây là quý II có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 33 năm qua.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tính chung của các ngân hàng niêm yết trong quý II là 1,71%, không thay đổi nhiều so với con số 1,65% của quý I và chỉ nhích nhẹ so với mức 1,45% tính đến cuối năm 2019, mặc dù rủi ro khả năng trả nợ của người đi vay trong quý II cao hơn các quý trước do ảnh hưởng của đại dịch.

Với giả định đại dịch được kiểm soát tốt vào cuối quý III/2020, các ngân hàng sẽ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 cho đến cuối năm 2020. Điều này có nghĩa nợ xấu sẽ gia tăng đáng kể vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021, khi chính sách hỗ trợ hết hiệu lực. Do đó, các ngân hàng nên thận trọng tăng các khoản trích lập dự phòng cao hơn trong các quý sau.

Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, để xem xét thực trạng của các nhà băng, các nhà đầu tư nên tập trung vào các chỉ số chất lượng tài sản như tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR = số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/nợ xấu, tỷ lệ này được dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu).

Theo báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng niêm yết, tỷ lệ LLR của ngành là 87%. Một số ngân hàng có tỷ lệ này cao như Vietcombank đạt 254% (có thể hiểu là với 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng đã có 254 đồng dự phòng tổn thất), ACB và MBBank đạt lần lượt 144% và 121%. Trong khi đó, LLR của Kiên Long Bank, VPBank lần lượt là 17%, 49%.

Về chỉ số tài chính của các ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, do lợi nhuận và nợ xấu có thể chưa được phản ánh đẩy đủ trong báo cáo tài chính, nên chỉ số nào cũng không phản ánh chân thực bởi thông số đầu vào để tính toán là chưa đúng thực tế. Do đó, giới đầu tư rất khó đánh giá được đúng sức khỏe của từng ngân hàng nếu chỉ dựa trên báo cáo tài chính.

Chuyên đề