Phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 15/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần nhận diện rõ tồn tại, yếu kém, khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực điện lực để hoàn thiện, bổ sung; tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực điện lực đối với doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước, quy định pháp luật…

Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết mối quan hệ kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng tách bạch quản lý nhà nước với kinh doanh, sản xuất điện; tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh…

Trong đó, nhóm chính sách quan trọng nhất là phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng nhóm chính sách để chuyển đổi nguồn điện năng lượng hóa thạch sang điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; giảm bớt tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng đối với doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế.

Mặt khác, cần có nhóm chính sách liên quan hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với ngành điện lực; hình thành các trung tâm công nghiệp điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

Chuyên đề