Phân bổ thêm tín dụng, bất động sản vẫn khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân bổ thêm một phần tín dụng trong hạn mức còn lại cho các ngân hàng thương mại (NHTM) mới đây thực chất vẫn chưa thể giải tỏa được cơn khát vốn của thị trường bất động sản.
Trong khoảng 457.000 tỷ đồng các ngân hàng thương mại bơm ra thị trường theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay, lượng tín dụng giải ngân vào bất động sản không nhiều. Ảnh: Lê Tiên
Trong khoảng 457.000 tỷ đồng các ngân hàng thương mại bơm ra thị trường theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay, lượng tín dụng giải ngân vào bất động sản không nhiều. Ảnh: Lê Tiên

Tín dụng vào bất động sản sẽ không nhiều

Trong khoảng 457.000 tỷ đồng được các NHTM bơm thêm ra thị trường theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% cho năm nay, lượng tín dụng được giải ngân vào bất động sản không nhiều, mà chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), số vốn này đến được với lĩnh vực bất động sản sẽ rất nhỏ giọt, nên không giải quyết được “cơn khát” vốn của thị trường vốn dĩ đang rất “khô hạn”.

Thực tế cho thấy, đến nay, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản trong cả nước có dấu hiệu “hụt hơi” do thiếu vốn. Ông N.V.T, Tổng giám đốc của một công ty đang triển khai dự án ở khu Nam Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp của ông đang “gõ cửa” ngân hàng để đề xuất vay 20 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động kinh doanh, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa được duyệt. Lý do là nhiều ngân hàng đang hết “room”, trong khi doanh nghiệp như “cá bị mắc cạn”.

Không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mà nguồn vốn trái phiếu thời gian qua cũng bị tắc nghẽn, khiến khó khăn chồng chất. Thống kê của HoREA cho hay, trong quý I và tháng 7/2022, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được lô trái phiếu nào.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho biết, trước động thái hạn chế giải ngân cho vay mua bất động sản của các NHTM, mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp của nhiều phân khúc bất động sản đi ngang với thanh khoản thị trường ở mức thấp. Trong những tháng tiếp theo, nếu điểm nghẽn về kiểm soát tín dụng không được tháo gỡ, dự kiến nguồn cung và sức cầu thị trường tiếp tục xu hướng giảm.

Cần đa dạng hóa cách gọi vốn

Bên cạnh việc kêu gọi “nghệ thuật điều hành mềm dẻo, linh hoạt, có hiệu quả”, HoREA cho rằng, NHNN cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không siết chặt tín dụng một cách cứng nhắc, thay vào đó nên tăng cường kiểm tra, giám sát nhà nước, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh quy định về tín dụng cho bất động sản có nhiều thay đổi, chính doanh nghiệp cần chủ động tìm vốn theo nhiều cách, trong đó nên tính đến việc gọi vốn thông qua hình thức M&A.

Đối với những công ty niêm yết, M&A sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.

Cùng với nguồn lực và tài chính thì các thủ tục, cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, bởi có không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy, việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp, nếu các vấn đề nan giải về cơ chế, thủ tục không được giải quyết.

Do đó, ông Khương khuyến nghị: Chính phủ cần có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp đồng thời với gỡ vướng pháp lý cho các dự án, giúp thị trường bất động sản vượt qua khó khăn.

Chuyên đề