P-51 Mustang - tiêm kích tốt nhất của Mỹ trong Thế chiến II

Với tầm hoạt động lớn, tốc độ cao, P-51 là chìa khóa trong chiến lược tập kích ném bom Đức của phe Đồng minh trong Thế chiến II.
Biên đội P-51D Mustang bay biểu diễn. Ảnh:Wikipedia.
Biên đội P-51D Mustang bay biểu diễn. Ảnh:Wikipedia.

P-51 Mustang được coi là một trong những tiêm kích tốt nhất Thế chiến II bởi sự kết hợp của các yếu tố tốc độ, tầm hoạt động, khả năng cơ động và hỏa lực giúp nó có được sự linh hoạt tuyệt vời. Đây là loại vũ khí được sử dụng trong mọi nhiệm vụ lớn của chiến tranh như hộ tống tầm xa, oanh tạc và trinh sát hình ảnh, theo Air And Space.

Khi Thế chiến II nổ ra năm 1939, chính phủ Anh đặt hàng lượng lớn tiêm kích của hãng North American để bổ sung cho không quân hoàng gia, sau khi không thể mua máy bay Curtiss P-40 Warhawk. Dựa trên động cơ Allison V-1710 của P-40, các kĩ sư North American đã chế tạo tiêm kích P-51 Mustang chỉ trong vòng 117 ngày do nhu cầu cấp bách của Anh.

Tiêm kích P-51 có một chỗ ngồi, dài 9,8 m, cao 4,1 m, sải cánh 11,2 m, nặng hơn 3,4 tấn, khối lượng cất cánh tối đa hơn 5,4 tấn. Nhờ sử dụng động cơ Packard V-1650-7 công suất 1490 mã lực, tiêm kích này có tốc độ tối đa 700 km/h, tầm hoạt động 2.655 km. P-51 được trang bị 6 súng máy 12,7 mm, hai quả bom nặng 907 kg  hoặc 10 rocket 127 mm.

Trong lần bay thử ngày 26/10/1940, nguyên mẫu XP-51 có tốc độ cao hơn nhiều so với máy bay P-40, nhưng hiệu suất giảm đáng kể khi vận hành ở độ cao trên 4,5 km.

Trong quá trình khắc phục lỗi thiết kế như hiệu suất vận hành ở độ cao lớn, khó quan sát phía sau, North American cho ra mắt phiên bản P-51D với buồng lái bằng kính trong suốt. Đây cũng là biến thể được sản xuất nhiều  nhất với 7.956 chiếc.

Sau khi North American khắc phục được hạn chế này, không quân Mỹ ký hợp đồng mua 320 tiêm kích P-51 và bắt đầu đưa vào tham chiến từ ngày 10/5/1942.

Chiếc XP-51 trong quá trình thử nghiệm. Ảnh:Wikipedia.

Khi được triển khai đến châu Âu, P-51 là chìa khóa để duy trì Chiến lược Oanh tạc Hiệp đồng chống phát xít Đức. Trước đó, các cuộc oanh tạc ban ngày của phe Đồng minh thường xuyên chịu tổn thất lớn do tiêm kích hộ tống như Spitfire hay P-47 Thunderbolt không đủ tầm bay để bảo vệ oanh tạc cơ. Nhờ tầm hoạt động xa của P-51, không quân Mỹ đủ sức bảo vệ các oanh tạc cơ trong suốt quá trình tập kích. Không đoàn 8 và 9 của Mỹ bắt đầu thay thế tiêm kích P-47 và P-38 bằng các chiến đấu cơ P-51 Mustang.

Ngoài nhiệm vụ hộ tống, P-51 còn là tiêm kích dễ dàng chiếm ưu thế trên không, thường xuyên đánh bật các tiêm kích của Đức trong khi vẫn làm tốt nhiệm vụ tấn công mặt đất.  Nhờ tốc độ và hiệu suất cao, P-51 là một trong số ít máy bay đủ sức đuổi theo bom bay V-1 và đánh bại tiêm kích phản lực Messerschmitt Me 262 của Đức. Trong Thế chiến II, dòng P-51 đã bắn hạ khoảng 4.950 máy bay Đức, nhiều nhất trong các loại tiêm kích Mỹ ở chiến trường châu Âu..

 Tiêm kích P-51 bay biểu diễn

Sau chiến tranh, P-51 vẫn là tiêm kích tiêu chuẩn trong không quân Mỹ. Năm 1948, sau khi được định danh thành F-51, tiêm kích này dần bị nhiều mẫu máy bay mới thay thế. Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra năm 1950, F-51 trở lại biên chế cho nhiệm vụ tấn công mặt đất và vẫn chứng tỏ được uy lực. Nó nằm trong biên chế của các đơn vị dự bị Mỹ đến năm 1957. Dù sau đó bị loại biên, P-51 vẫn được nhiều lực lượng không quân sử dụng cho đến tận năm 1984.

Theo Aviation History, P-51 là máy bay tốt nhất Thế chiến II, với tổng cộng 14.819 chiếc thuộc  nhiều biến thể khác nhau được chế tạo cho không quân Mỹ. 

Chuyên đề