Lo ngại vì tín dụng bật tăng
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 24/6/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015. Với tốc độ tăng này, khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt 20%, vì 6 tháng đầu năm 2015 tín dụng chỉ tăng hơn 6,3%, nhưng cả năm vẫn đạt tới 18%. Hiện nay, nhiều ngân hàng TMCP cũng đã tăng tín dụng gần chạm chỉ tiêu cả năm và đang xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Điều làm các chuyên gia lo ngại là trong bối cảnh hiện nay, việc nới lỏng tiền tệ, bơm mạnh vốn ra nền kinh tế có thể “kích” lạm phát tăng cao trở lại. Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ khuyến cáo, NHNN phải xem xét việc “nới” tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 20% có tốt hay không, tránh chạy theo tăng trưởng nóng.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, khuynh hướng mở rộng chính sách tiền tệ ngày càng rõ, khối lượng tiền tệ tăng đáng kể 6 tháng đầu năm nay. Cung tiền (M2) tăng 8,07% so với cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. NHNN mạnh tay mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, hoạt động trên thị trường mở (OMO) và kênh tín phiếu diễn ra khá sôi nổi trong quý II. Theo số liệu tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, NHNN đã thực hiện bơm ròng khoảng 32.000 tỷ đồng qua kênh OMO và 25.700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu ra ngoài thị trường. Điều này cho thấy những bước đi nới lỏng đầu tiên so với thời gian trước đây.
Theo chuyên gia này, về lý thuyết, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế, song trong bối cảnh hiện nay, tăng tín dụng chưa hẳn đã hiệu quả, mà lại còn có thể gây áp lực lên lạm phát. “Nếu kinh tế bất trắc, luồng tiền khi đó có thể lại đổ vào thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ…, chứ không đổ vào sản xuất - kinh doanh. Chính phủ nên thắt chặt bớt chính sách tiền tệ và tài khóa để tránh gây áp lực lên lạm phát, từ đó tạo mầm mống bất ổn”, TS. Thành khuyến cáo.
Không vội vàng siết - mở
Một thực tế không thể phủ nhận là 2 năm qua, lượng tiền bơm ra nền kinh tế qua kênh ngân hàng đã được đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế lại đang có biểu hiện kém đi. Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, cho thấy xu hướng vốn của doanh nghiệp, người dân chuyển sang tiết kiệm hơn là đầu tư. Trong bối cảnh này, nếu cố bơm vốn bằng mọi giá thì rất có thể, lượng vốn lại chảy vào chỗ trũng là khu vực đầu tư công - vốn có hiệu quả kém - hoặc các dự án rủi ro cao như giao thông, bất động sản.
Với tình hình trên, nhiều ý kiến nhận định, NHNN sẽ không mạnh tay nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong thời gian tới. Theo các chuyên gia nghiên cứu của HSBC, lạm phát năm nay có khả năng đạt 4,9% và tăng mạnh trong năm 2017 sẽ hạn chế khả năng NHNN nới lỏng tiền tệ.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, NHNN không nên vội vàng lo lắng thắt chặt chính sách tiền tệ. Bài học của việc “phanh” tín dụng những năm trước đây đã mang lại hậu quả đau đớn, khiến nền kinh tế đình đốn nhiều năm, hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa. “NHNN không nên vội vàng siết tín dụng cực đoan, kể cả trong lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo.
Theo luồng ý kiến này, dù lạm phát có nguy cơ tăng lên, song vẫn đứng ở mức thấp. Hơn nữa, áp lực gây ra lạm phát thời gian tới chủ yếu đến từ giá hàng hóa, không phải từ cung tiền. Việc tăng cung tiền vào những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thực, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Như vậy, với quan điểm của NHNN, khả năng chính sách tiền tệ thời gian tới vẫn sẽ giữ ở mức độ ổn định, có dư địa cần thiết để đối phó với lạm phát.