Ảnh Internet |
Sửa đổi, tháo gỡ ràng buộc hành chính
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính tập trung sửa đổi một số điều khoản liên quan đến việc thành lập, hoạt động của doanh nghiêp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo điểm, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Theo đó, đối với điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Dự thảo sửa đổi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6, bỏ điều kiện không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, trong đó chỉ đề cập điều kiện đối với tổ chức tham gia góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên phải hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Về điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đối với doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài muốn thành lập tại Việt Nam phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam, dự thảo quy định giảm thời hạn xuống còn ít nhất 7 năm kinh nghiệm.
Dự thảo Nghị định tháo gỡ ràng buộc đối với hoạt động của mô hình công ty TNHH bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Theo đó, mô hình này đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép mà không phải chịu các quy định pháp luật khác của nước sở tại.
Việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm, tại Điểm a Khoản 2 Điều 7, Dự thảo không yêu cầu cổ đông phải là thành viên sáng lập mới được tham gia thành lập công ty cổ phần bảo hiểm. Dự thảo nêu rõ, việc thành lập công ty cổ phần bảo hiểm cần có tối thiểu 02 cổ đông là tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định và 02 cổ đông này phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 20% số cổ phần của công ty cổ phần bảo hiểm dự kiến được thành lập.
Để giảm bớt thủ tục quản lý hành chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam, tại Điểm đ Khoản 2 Điều 8, Dự thảo quy định doanh nghiệp chỉ cần có văn bản cam kết chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ và cam kết của chi nhánh tại Việt Nam, không cần có văn bản ủy quyền cho giám đốc chi nhánh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ các hoạt động của chi nhánh nước ngoài.
Mở rộng đối tượng tham gia
Quy định tại NĐ73 giới hạn nhiều đối tượng không được phép tham gia góp vốn thành lập kinh doanh, môi giới bảo hiểm được quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Doanh nghiệp, như: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân…
Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ quy định này nhằm mở rộng đối tượng tham gia vào hoạt động kinh doanh, môi giới bảo hiểm. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh cạnh tranh tài chính khốc liệt hiện nay.
Tại Dự thảo sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bãi bỏ một số điều kiện chung trong cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Theo đó, Dự thảo bãi bỏ điều kiện trong góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân. Đối với điều kiện góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, bỏ quy định về mức vốn điều lệ đã góp (đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm), vốn được cấp (đối với chi nhánh nước ngoài) không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.