“Nỗ lực kép” thúc đà tăng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2 tháng đầu tiên của năm 2024, “bức tranh” xuất khẩu (XK) tiếp tục có những điểm sáng, nhất là khối doanh nghiệp gỗ, dệt may, nông nghiệp… Tuy vậy, các dự báo cũng cho thấy, khó khăn, thách thức còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp XK phải “nỗ lực kép” để sẵn sàng thích ứng với tiêu chuẩn ngày càng cao cũng như những diễn biến khó lường của thị trường toàn cầu.
Hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Thêm những điểm sáng

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, đầu năm 2024, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát đã XK lô hàng đầu tiên vào chuỗi hệ thống bán lẻ có hơn 1.200 cửa hàng trên khắp Nhật Bản, phục vụ nhu cầu trực tiếp của người dân nước này.

Ống thép Hòa Phát xuất sang Nhật Bản được bán theo hình thức “DIY”, nghĩa là sản phẩm tới tận tay người dân. Người tiêu dùng Nhật mua ống thép để ứng dụng vào nhiều việc khác nhau như: làm giàn giáo để trồng cây, các giá kệ chứa gỗ, làm nhà để xe. “Dự kiến, trong thời gian tới, đối tác Nhật Bản sẽ sang Việt Nam trao đổi về đơn hàng cho năm 2024 và có kế hoạch tiếp tục nhập thêm các dòng sản phẩm khác”, Hòa Phát cho biết.

Tín hiệu tích cực trong hoạt động XK không chỉ trở lại với Hòa Phát mà còn đến với nhiều doanh nghiệp (DN) khác, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trịnh Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam cho hay, nhìn chung, 2 tháng đầu năm nay, hoạt động XK gạo khả quan hơn, đơn hàng khá dồi dào.

Tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024 tổ chức tuần qua, Bộ Công Thương cho biết, hết tháng 1, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt.

Tương tự, XK cà phê cũng liên tục ghi nhận tín hiệu tốt, nhất là 2 tháng đầu năm nay, XK mặt hàng này đạt 1,3 tỷ USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Với DN điện tử, đại diện Công ty TNHH Bujeon Vietnam Electronic và Công ty TNHH MPT Solution (Việt Nam) đều cho biết, tình hình đơn hàng khá lạc quan. “Chúng tôi liên tục tuyển dụng nhân sự nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh”, đại diện Công ty TNHH Bujeon Vietnam Electronic nói.

Tổng cục Thống kê cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, có 11 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng kim ngạch XK (có 4 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD); hơn 20 mặt hàng đạt mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng XK đạt mức tăng trưởng cao như: điện tử, máy tính và linh kiện đạt trên 9,5 tỷ USD, tăng 33,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 43,8%; sắt thép đạt 1,5 tỷ USD, tăng 45,7%; dệt may đạt 5,2 tỷ USD, tăng 15%; rau quả đạt 890 triệu USD, tăng 58,5%; gạo đạt 639 triệu USD, tăng 35,2%; hạt điều đạt 568 triệu USD, tăng 60,5%...

Đơn vị tính: triệu USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đơn vị tính: triệu USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê

“Nỗ lực kép” để thích ứng

Mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực về XK hàng hóa, song theo cảm nhận chung của các DN thì tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, sức cầu vẫn yếu và liên tục xuất hiện những yếu tố khó lường. Vì thế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, trong đó có DN XK còn nhiều thách thức, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.

Thông tin thêm, TS. Lê Quốc Phương, chuyên gia thương mại nhấn mạnh, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới với việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tham gia các FTA một mặt tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường thế giới với lợi thế thuế quan, song các FTA cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao về kỹ thuật đối với hàng XK. Ngoài tiêu chuẩn trong các FTA, hiện một số quốc gia còn đưa thêm những tiêu chuẩn khác khắt khe liên quan đến môi trường, lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa…

Hoạt động XK còn chịu ảnh hưởng của các biến động địa chính trị trên thế giới như: xung đột Nga - Ukraine; căng thẳng ở Biển Đỏ. Bên cạnh đó, Mỹ đang tổ chức tranh cử tổng thống và nếu có sự thay đổi về chính sách có thể tác động tới hoạt động XK…

“Để thích ứng với bối cảnh nhiều biến động khó lường, các DN XK không chỉ sản xuất hàng hóa đáp ứng với các tiêu chuẩn cao, mà còn phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để đón đầu cơ hội thị trường”, ông Phương nói. Bối cảnh hiện nay buộc DN phải nỗ lực kép mới có thể thúc đẩy XK sản phẩm, dịch vụ sang thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nhiều biện pháp nhằm khai thông thị trường quốc tế. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động thúc đẩy giao thương như sự kiện Kinh doanh và Đầu tư quốc tế (IMEX-Madrid 2024); quảng bá sản phẩm cà phê Việt Nam tại Algeria; Diễn đàn DN Việt Nam - Australia (ngày 5/3 tại Australia)… đã được tổ chức. Cùng với đó, Bộ cũng đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị với DN để thúc đẩy XK và XK bền vững.

Với những tín hiệu bước đầu đáng khích lệ cùng với dự báo tình hình kinh tế thế giới năm nay sẽ tích cực hơn, nhiều chuyên gia và DN tin tưởng, tổng kim ngạch XK năm 2024 có thể tăng trên 6% so với năm 2023, giữ vững vị thế xuất siêu của Việt Nam.

Chuyên đề