Nỗ lực đón “làn sóng” AI, bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin tại Hội thảo Doanh nghiệp (DN) và thế hệ trẻ trước “làn sóng” trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn tổ chức chiều ngày 1/10, tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp AI và bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin về sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội phát triển các ngành công nghiệp mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo và bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin về sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội phát triển các ngành công nghiệp mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo và bán dẫn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang trong thời điểm hết sức quan trọng, phấn đấu cao nhất vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm, đặc biệt chuẩn bị tâm thế để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm còn lại của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021 - 2030). Đại hội Đảng XIII cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Như vậy, quỹ thời gian đến thời điểm thực hiện Chiến lược còn rất ít”, Bộ trưởng nhìn nhận và cho rằng, mục tiêu đề ra rất cao, thách thức rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam không phải không có cơ hội, không có nguồn lực mà quan trọng nhất là bước đi, là chiến lược, quyết tâm để nắm bắt được các cơ hội, chắt chiu các cơ hội dù là nhỏ nhất.

Để đạt mục tiêu trên, Đảng đã xác định chỉ có dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh là động lực phát triển; dựa vào giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam để trỗi dậy, vươn lên. Theo đó, Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Hiện Việt Nam đã và đang hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với hệ thống chính trị ổn định và quyết tâm chính trị cao. Việt Nam có quy mô dân số khoảng 100 triệu dân và đứng 13 thế giới, nhưng quan trọng hơn là đang trong thời kỳ “dân số vàng”, lực lượng lao động trẻ, nhiệt huyết có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ. Việt Nam đã lựa chọn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trên cơ sở nghiên cứu tổng hợp từ thực tế khách quan, nhằm hiện thực hóa chủ trương bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với các quốc gia khác trên thế giới…”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Từ góc độ doanh nghiệp, nhìn nhận về cơ hội của Việt Nam trong việc phát triển các ngành công nghiệp này, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor cũng nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để khai thác cơ hội phát triển. Người Việt Nam không chỉ giỏi về toán mà còn cả vật lý và hoá học. Trong giáo dục, thời gian qua, Việt Nam đầu tư nhiều vào khối ngành STEM. Mới đây, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIP có đưa một số quốc gia vào danh sách hỗ trợ phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ sở để Việt Nam “dấn thân” vào lĩnh vực này.

Về thể chế, chính sách, thời gian qua, các DN ngành này được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ với mục tiêu đưa ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Đặc biệt, gần đây, Chính phủ đã thông qua Chiến lược về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Chương trình phát triển nguồn nhân lực để thực hiện mục tiêu đã mở ra cơ hội lớn để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại sự kiện, bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ thuộc Tập đoàn Qualcomm chia sẻ, Qualcomm là một trong những đối tác rất quan trọng tại thị trường chuyển đổi số của Việt Nam. Các chính sách của Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào phát triển tăng cường và AI đã tận dụng được tiềm năng phát triển…

Trên thực tế, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, AI có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của các DN công nghệ lớn trong lĩnh vực này như: Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Marvell, Cadence, Synopsys… cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử. Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Chuyên đề