NIC - Hạt nhân dẫn dắt, kết nối thúc đẩy đổi mới sáng tạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 với nhiều hoạt động quan trọng, ý nghĩa sẽ được khai mạc sáng nay (1/10), tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, TP. Hà Nội. Nhìn lại chặng đường 5 năm thành lập, NIC đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, khẳng định vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy kết nối, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ tham quan triển lãm trong khuôn khổ sự kiện. Ảnh: NIC
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ tham quan triển lãm trong khuôn khổ sự kiện. Ảnh: NIC

Chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy ĐMST

Thời gian qua, Trung tâm đã chủ động, tích cực nghiên cứu để tham mưu, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp tại Việt Nam, đóng vai trò là cầu nối với các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp.

Cụ thể, Trung tâm được giao xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định (Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia).

Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp như tại Luật Đầu tư, Luật Thủ đô, Luật Đấu thầu… và tại các văn bản hướng dẫn.

Trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cấp có thẩm quyền ban hành 7 quyết định về công tác thúc đẩy, hỗ trợ đầu tư các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ trọng tâm. Điển hình như: Quyết định số 106/QĐ-BKHĐT ngày 17/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm ĐMST quốc gia; Quyết định 1672/QĐ-BKHĐT ngày 9/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao quyền tự chủ tài chính cho Trung tâm ĐMST quốc gia giai đoạn 2023 - 2025…

Thời gian qua, NIC đã thúc đẩy hiệu quả kết nối, hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái, từ các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ... Ảnh: Lê Tiên

Thời gian qua, NIC đã thúc đẩy hiệu quả kết nối, hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái, từ các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ... Ảnh: Lê Tiên

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp

NIC đã xây dựng được khung pháp lý cho hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ĐMST và khởi nghiệp với việc góp ý các văn bản liên quan đến Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định thay thế Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Luật Thủ đô (các ưu đãi cho ĐMST và khởi nghiệp, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát), Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), các Nghị quyết, cơ chế đặc thù để phát triển ĐMST tại các địa phương (Đà Nẵng, TP.HCM).

Trung tâm cũng tạo nguồn dữ liệu và hỗ trợ DN ĐMST được tiếp cận các nguồn thông tin đa dạng liên quan đến hoạt động hỗ trợ, kết nối đầu tư, thương mại, tài chính.

NIC tổ chức giao lưu DN khởi nghiệp, ĐMST tại những quốc gia ĐMST phát triển mạnh mẽ. Doanh nghiệp được tăng cường năng lực, được hỗ trợ thông qua các chương trình đào tạo khởi nghiệp thông qua các hợp tác với Google, USAID, UNDP, Hiệp hội Người khuyết tật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

NIC đã phối hợp với các đối tác đào tạo, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động công nghệ cao. Ảnh: NIC

NIC đã phối hợp với các đối tác đào tạo, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động công nghệ cao. Ảnh: NIC

Kết nối, phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp

Thời gian qua, NIC đã thúc đẩy hiệu quả kết nối, hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái, từ các cơ quan Chính phủ đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ... đồng thời, tạo môi trường, điều kiện hợp tác tích cực, hiệu quả.

Theo đó, Trung tâm kết nối 50 doanh nghiệp, tập đoàn; hơn 200 quỹ đầu tư; khoảng 10 viện, trường; phát triển mạng lưới 2.000 chuyên gia, trí thức tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 60 trung tâm ĐMST trong nước; 80 tổ chức hỗ trợ; ký kết hơn 50 Biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, DN trong và ngoài nước để thiết lập quan hệ đối tác, hợp tác thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án; tổ chức chương trình Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam các năm 2019, 2020, 2022 và 2023, thu hút sự tham gia của 200 quỹ đầu tư, với số vốn cam kết tăng dần qua các năm từ 425 triệu USD năm 2019 lên gần 2 tỷ USD năm 2023…

Ảnh Lê Tiên

Ảnh Lê Tiên

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trung tâm đã phối hợp với các đối tác đào tạo, các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động công nghệ cao.

Cụ thể, NIC đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, triển khai các chương trình phát triển nguồn nhân lực, lan tỏa rộng rãi lợi ích cho nhiều đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, Trung tâm kết nối và huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực trọng tâm, đặc biệt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trung tâm đã có thoả thuận hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM về thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao về ĐMST và bán dẫn; ký kết Biên bản ghi nhớ với các DN, tập đoàn bán dẫn trong nước và quốc tế như: Intel, Synopsys, Cadence, VinaCapital, Southeast Asia Impact Alliance, FPT, TreSemi để tham gia triển khai trung tâm đào tạo thiết kế chip bán dẫn tại NIC Hà Nội, NIC Hòa Lạc…

Thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức được một số khoá đào tạo về thiết kế vi mạch cho hàng trăm học viên là giảng viên, sinh viên các trường đại học và người lao động trong các DN.

Trong thời gian tới, NIC tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Trung tâm, triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực với các tập đoàn lớn. Ảnh: Lê Tiên

Trong thời gian tới, NIC tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Trung tâm, triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực với các tập đoàn lớn. Ảnh: Lê Tiên

Vận hành, phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam

Trung tâm đã bám sát các chủ trương, chính sách nhằm phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học đầu ngành để tham gia thúc đẩy và kết nối với hệ thống đổi mới sáng tạo trong nước.

Trung tâm được giao nhiệm vụ vận hành, phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập năm 2018. Thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã tổ chức kết nối các thành viên ban đầu và phối hợp hoàn tất các thủ tục cần thiết đảm bảo định hướng chung của Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại.

Cập nhật đến ngày 1/10/2024, Việt Nam đã thành lập được 10 Mạng lưới thành phần tại Cộng hòa Liên bang Đức (2019), Nhật Bản (2019), Australia (2019), Hàn Quốc (2021), Châu Âu (2021), Đài Loan (2021), Bờ Tây - Hoa Kỳ (2023) và Bờ Đông - Hoa Kỳ (2023); Singapore (2024); Canada (2024). Ước tính tổng thành viên Mạng lưới hiện nay khoảng 2.000 người, tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp thành lập các Mạng lưới thành phần khác tại các địa bàn phù hợp.

Bên cạnh đó, NIC huy động sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt tham gia các hoạt động do Trung tâm tổ chức; kết nối chuyên gia với các địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xúc tiến hợp tác, đầu tư.

Cùng với các hoạt động trên, cơ sở vật chất để NIC hoạt động cũng từng bước được đầu tư, hoàn thiện.

Để tiếp tục dẫn dắt, thúc đẩy ĐMST Việt Nam, thời gian tới, NIC tiếp tục tham gia xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy ĐMST. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP. Phát triển hệ sinh thái và hỗ trợ DN với việc tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối đầu tư, tài chính; ĐMST, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; tiếp cận nguồn nhân lực, chuyên gia...

NIC đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Trung tâm, tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực với các tập đoàn lớn như: Chương trình phát triển nhân tài số hợp tác với Google, Trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng với Intel… NIC tiếp tục mở rộng mạng lưới các đối tác, các nhà tài trợ đồng hành cùng NIC triển khai các hoạt động hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo.

Cùng với đó, NIC vận hành hiệu quả cơ sở tại Hà Nội và cơ sở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Chuyên đề