Những quy định “thấu cảm” hoạt động của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đấu thầu (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó có nội dung liên quan đến phạm vi áp dụng Luật đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước. Điều chỉnh này được giới chuyên gia đánh giá sẽ mang lại lợi ích kép, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động đấu thầu, vừa tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Ảnh: Huyền Trang
Ảnh: Huyền Trang

Định danh phạm vi áp dụng Luật

Một trong những điểm đáng chú ý tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) là quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng Luật. Theo đó, Luật áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện: “Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ”.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013 đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Chia sẻ về phương án được lựa chọn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đây là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ xem xét kỹ lưỡng, thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo ông Mạnh, phương án được Quốc hội thông qua bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng áp dụng quá mức.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đánh giá: “Điều chỉnh tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) là vô cùng sáng suốt, bởi quy định mới sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp và gỡ khó luôn cả cho các cấp thực thi, quản lý nhà nước về đấu thầu…”. Theo ông Cường, với những sửa đổi nêu trên, các doanh nghiệp như PTSC sẽ được tự chủ trong công tác mua sắm, lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp.

“Tôi cho rằng, khi đề xuất phương án sửa đổi, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã thấu cảm được những cái khó, bế tắc trong những năm qua của các DN như chúng tôi để đưa tới quyết định như vậy”, ông Cường bộc bạch.

Nhìn lại quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) có thể thấy, phạm vi áp dụng Luật đối với DNNN và dự án sử dụng vốn nhà nước là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, luật sư, chuyên gia kinh tế, nhất là cộng đồng DN. Tại các phiên thảo luận về Dự thảo Luật ở Quốc hội, đây luôn là nội dung làm “nóng” nghị trường.

Làm rõ thêm về phương án được Quốc hội lựa chọn, UBTVQH cho hay, tại Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề xuất bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 5, UBTVQH đã báo cáo 2 phương án để Quốc hội xem xét. Phương án 1 giữ như phương án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, quy định đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu là các dự án đầu tư của DNNN theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Phương án 2 quy định đối tượng áp dụng bao gồm các dự án đầu tư của DNNN và các doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN.

Thảo luận ở Quốc hội, một số đại biểu đề xuất chọn phương án 2, nghĩa là mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm cần chọn phương án 1 vì cho rằng, nếu chọn phương án 2 có thể làm mất đi tính tự chủ, linh hoạt, cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp khi loại hình công ty con của DNNN đa phần là công ty cổ phần, có sự tham gia góp vốn của nhiều thành phần kinh tế khác và đã có nhiều cơ chế khác giám sát, quản lý.

Tiếp thu các ý kiến, Quốc hội đã thông qua phương án dung hòa. Theo đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định phạm vi điều chỉnh gồm các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN và doanh nghiệp do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Phương án này vừa bảo đảm việc quản lý hiệu quả vốn nhà nước, vừa bảo đảm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

Phát huy sức sáng tạo, năng động, nhạy bén của doanh nghiệp

Theo Tổng giám đốc PTSC, sự điều chỉnh liên quan đến phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho thấy, hoạt động lập pháp của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ngày càng hướng đến yêu cầu thực tiễn.

Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) thể hiện tư duy đột phá, gỡ bỏ những vướng mắc, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DN trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, đối với những DN có vốn nhà nước (mà không phải DNNN), họ có thêm quyền chủ động và tự quyết trong việc thực hiện dự án, không còn bị ràng buộc bởi những quy định dành riêng cho DNNN. Tiếng nói của sở hữu tư nhân trong các DN này sẽ có trọng lượng hơn khi cơ chế đã có sự thay đổi.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP.HCM), Trưởng ban Đổi mới quản lý DN TP.HCM cho rằng, phương án được Quốc hội thông qua bảo đảm nguyên tắc công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tính tự quyết định của DN trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm sự chặt chẽ trong quy định pháp luật.

“Khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh, các công ty con của DNNN có thể xem xét quyết định mua sắm, đầu tư ngay, nhưng nếu phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu thì họ phải mất nhiều thời gian hơn mới có thể triển khai. Lúc đó, cơ hội kinh doanh đã mất và khi cơ hội đã mất thì việc sử dụng vốn của DNNN, tài sản của Nhà nước tại công ty con cũng mất tính hiệu quả”, ông Tuấn phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0 thúc đẩy các chính sách pháp lý của các quốc gia phải tiến gần và phù hợp với thông lệ quốc tế. DN đại chúng hiện là mô hình DN tiên tiến nhất trên thế giới. Loại hình này phải hướng đến các thông lệ quản trị tốt nhất, thực hiện giám sát đại chúng bằng các cơ chế tối ưu thúc đẩy phát triển; phải có sự chủ động, linh hoạt trong quá trình đầu tư, mua sắm và quản trị, điều hành. Cơ chế chính sách tại Việt Nam cũng cần vận động theo xu hướng đó.

Tổng hợp theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho biết, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó có 194 doanh nghiệp Trung ương và 632 doanh nghiệp địa phương.

Về sở hữu, cả nước có 476 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có 141 doanh nghiệp trung ương và 335 doanh nghiệp địa phương, bao gồm: 06 tập đoàn kinh tế; 53 tổng công ty nhà nước; 16 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 401 công ty TNHH MTV độc lập.

197 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trong đó có 35 doanh nghiệp trung ương và 162 doanh nghiệp địa phương, bao gồm: 3 tập đoàn kinh tế; 17 tổng công ty; công ty cổ phần hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 171 công ty độc lập (156 công ty cổ phần và 15 công ty TNHH hai thành viên trở lên).

153 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, bao gồm: 05 tổng công ty cổ phần và 148 công ty độc lập.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1.671.574 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.508.768 tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng.

Chuyên đề