Báo cáo đánh giá tổng quan thị trường tài chính năm 2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố ngày 14/3 đề cập tới một nguy cơ thị trường đối mặt với dung lượng khá ít: Quy mô các khoản lãi dự thu của các ngân hàng vừa tái cơ cấu tương đối cao. Đây được coi là rủi ro lớn mà hệ thống đang đối mặt, sau câu chuyện nợ xấu vừa tạm thời được xử lý.
Nói rõ thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Trương Văn Phước cho biết, lãi dự thu là khoản chưa thu được nhưng theo chế độ hạch toán kế toán, các nhà băng vẫn đưa vào tạo nên lợi nhuận. Có ngân hàng báo lãi nghìn tỷ nhưng thực tế, khoản lãi dự thu (chưa thu được) rất lớn, chiếm hàng chục phần trăm chứng tỏ lợi nhuận của họ không thực chất.
Trong khi lãi tiền gửi đã trả cho khách hàng, lãi dự thu với các khoản cho vay của các nhà băng ngày một nhiều thêm. Ảnh: Thanh Lan.
Đồng tình với Ủy ban Giám sát, ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - còn cho rằng không chỉ ngân hàng yếu kém đang tái cơ cấu, nhiều nhà băng quy mô vừa cũng ghi nhận ngày càng nhiều khoản lãi thực ra chưa thu. Theo ông Thành, hệ lụy là khi nhìn vào dòng tiền, trong khi lãi tiền gửi cho người dân đã trả thì lãi cho vay vẫn chưa nhận được. Theo số liệu năm 2015, lợi nhuận biên NIM của các nhà băng khoảng 2,74%. Ông Thành cho rằng con số này có một phần "ảo".
"Một số ngân hàng hiện liên tục phải huy động tiền gửi mới để trả lãi tiền gửi cũ và lãi dự thu không thu được. Bên cạnh vẫn phải tiếp tục xử lý nợ xấu thì làm thế nào giải quyết lãi dự thu này sẽ khiến các ngân hàng thêm áp lực", ông Thành phân tích.
Trên thực tế, theo chuẩn mực kế toán hiện nay, nếu một dự án cho vay trung dài hạn vẫn trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, chưa thể trả lãi và gốc, ngân hàng được phép ghi nhận vào thu nhập lãi (khoản lãi dự thu). Trao đổi với VnExpress, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng nguyên nhân lãi dự thu nhiều là các nhà băng cho vay nhiều dự án lớn trung và dài hạn còn dang dở. "Lãi dự thu càng nhiều thì chứng tỏ các dự án gặp vướng mắc càng lớn nên chưa tạo ra dòng tiền cho ngân hàng. Những dự án đầu tư công của Nhà nước với những công trình lớn hầu hết đều 'dính' vào trường hợp này cả", ông nói.
Tuy nhiên, vị này cho rằng, tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản nếu khoảng 5-7% thì có thể chấp nhận được. "Thực tế nếu dự án bị kéo dài, lãi dự thu phát sinh thêm, tạo gánh nặng tiềm ẩn cho ngân hàng. Nếu dự án thất bại, ngoài phải dự phòng cho khoản gốc vay, ngân hàng còn phải dành tiền dự phòng cả khoản lãi dự thu nữa", ông nói.
Một lãnh đạo cấp cao của Ủy ban Giám sát Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng những nguy cơ xung quanh khoản lãi dự thu ngày một lớn của các nhà băng. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng cần sớm có hình thức cảnh báo nguy cơ này dù ông thừa nhận việc chỉ mặt điểm tên từng ngân hàng có thể phải thận trọng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, có nhà băng lãi dự thu hàng nghìn tỷ đồng trong một kỳ là đáng báo động.