Nhiều yếu tố thuận lợi gọi vốn ngoại vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 250 thành viên đến từ các doanh nghiệp hàng đầu của Singapore và Việt Nam, là các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… cùng tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn”, tổ chức tại Singapore ngày 6/8/2024. Đây là một trong nhiều nỗ lực Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính quốc tế, chọn rót vốn vào thị trường Việt Nam.
Tính đến tháng 7/2024, trên thị trường chứng khoán có tổng cộng hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 278 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến tháng 7/2024, trên thị trường chứng khoán có tổng cộng hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 278 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Thông điệp gọi vốn

Chia sẻ với các nhà đầu tư quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là hợp phần quan trọng của kinh tế, vì thế, luôn tạo điều kiện thuận lợi để cùng nhau phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. “Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư Singapore nói riêng và khu vực nói chung tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để cùng thành công và phát triển thịnh vượng”, ông Phớc nói.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Việt Nam - Singapore còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực thị trường tài chính, thị trường vốn, chứng khoán. Bộ trưởng chia sẻ, trong hơn 24 năm vận hành, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khẳng định được sức hấp dẫn thông qua số lượng doanh nghiệp lên sàn, quy mô thanh khoản cao và sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, tính đến tháng 7/2024, trên thị trường có tổng cộng hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 278 tỷ USD, tương đương 65% GDP năm 2023. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh với 8 triệu tài khoản, tương đương hơn 10% dân số trưởng thành. Trong khu vực ASEAN, TTCK Việt Nam là một thị trường rất năng động với mức thanh khoản khoảng 1 tỷ USD/ngày, tương đương thanh khoản tại thị trường Singapore.

Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam quyết tâm phát triển TTCK công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, toàn diện, hội nhập và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể tham gia. “Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng TTCK và kỳ vọng sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian tới”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, gần 300 thành viên trên thị trường tài chính Hàn Quốc - Việt Nam cùng tham dự Hội nghị “Việt Nam - Điểm đến đầu tư” tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 3/2024. Tại đây, lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ, bất chấp những thử thách, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiểm soát. Năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 5,05%, năm 2024 dự kiến tăng trưởng 6 - 6,5%, các cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững hơn. Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Để thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, TTCK, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Cũng trong tháng 3/2024, hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản thu hút sự quan tâm của hàng trăm tổ chức đầu tư lớn. Ông Takafumi Oue, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Chứng khoán Daiwa tại Việt Nam cho biết, TTCK Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản chào đón và khẳng định thời gian tới, Daiwa sẽ mở rộng hoạt động, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán… để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhã Chi

Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán… để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhã Chi

Kỳ vọng cải thiện hiện trạng vốn ngoại vào thị trường vốn

Sự chào đón của nhà đầu tư quốc tế trong các nỗ lực xúc tiến đầu tư, lan tỏa câu chuyện tăng trưởng kinh tế và triển vọng thị trường vốn Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay được kỳ vọng sẽ làm thay đổi hiện trạng vốn ngoại trên thị trường vốn. Theo thống kê của FiinGroup, tính tại ngày 17/7/2024, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam, với tỷ lệ cụ thể tại 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM lần lượt là 17,3%, 5,4% và 3%. Mức sở hữu này thấp hơn so với thời điểm cuối năm 2018, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lần lượt là 19,83%, 10,99% và 4,24% giá trị cổ phiếu trên sàn HOSE, HNX và UPCoM.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, vốn ngoại chưa dừng xu hướng thoái bớt trên thị trường vốn Việt Nam, với giá trị bán ròng trên 60.000 tỷ đồng. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn như SSI, FPT, TCB, MSN, MWG… vẫn đang chịu áp lực bán ròng.

Trên thị trường vốn Việt Nam, hiện trạng vốn ngoại giảm tỷ trọng đầu tư giống như một “nét vẽ ngược” trong bức tranh đầu tư tài chính toàn cầu. Báo cáo của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, trên toàn cầu dòng tiền vào các tài sản tài chính duy trì nhịp độ vào ròng tích cực, với giá trị đạt 316,6 tỷ USD cho các quỹ cổ phiếu; 366,8 tỷ USD cho các quỹ trái phiếu và 285 tỷ USD cho các quỹ thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, nguồn lực quốc tế tiếp tục chọn chảy vào thị trường phát triển (+68,4 tỷ USD trong tháng 7/2024) vượt trội hơn so với thị trường đang phát triển (+22,7 tỷ USD trong tháng 7/2024). Trong khi đó, thị trường vốn Việt Nam vẫn ở mức thị trường cận biên (thị trường không được quỹ đầu tư quốc tế ưu tiên rót vốn - PV) và đang chờ đợi để xem xét, nâng hạng lên mức thị trường mới nổi. Theo ông Đặng Hồng Quang, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của VinaCapital, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, dòng vốn nước ngoài vào TTCK Việt Nam có thể tăng thêm 5 - 8 tỷ USD.

Theo đại diện VinaCapital, xét về quy mô nền kinh tế và TTCK, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các TTCK mới nổi. “Với thực tế tăng trưởng vượt bậc 10 năm qua, việc Việt Nam vẫn trong nhóm thị trường cận biên giống như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ””, ông Quang nói và cho rằng, trong tương lai, việc nâng hạng thị trường sẽ không chỉ tạo không gian cho doanh nghiệp nội nhận thêm vốn mới, mà còn là cơ hội cho các nhà đầu tư trên thế giới tiếp cận dễ dàng hơn với cơ hội đầu tư vào một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng cao và nhiều tiềm năng là Việt Nam.

Chia sẻ về công tác nâng hạng TTCK, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, đây là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Tháng 4/2024, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK, với quyết tâm đạt mục tiêu năm 2025.

Nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn và đang trên đà tăng trưởng cao trở lại cộng với định giá TTCK Việt Nam ở mức thấp (chỉ số P/E khoảng 13,2 lần, thấp hơn nhiều quốc gia khác) là những lợi thế rõ ràng trong thu hút dòng chảy tài chính quốc tế đến Việt Nam. Trên nền tảng thuận lợi này, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng, chỉ cần sớm gỡ các nút thắt kỹ thuật cho thị trường Việt Nam nâng hạng và Chính phủ thúc đẩy cổ phần hóa, gia tăng hàng hóa mới, câu chuyện mới từ doanh nghiệp, từ thị trường, dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều xu hướng, chọn lựa đầu tư vào doanh nghiệp để cùng gia tăng giá trị trong một nền kinh tế nhiều lợi thế tăng trưởng.

Chuyên đề