Nhiều yếu tố cản đà tăng trưởng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xu hướng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nhiều tổ chức kinh tế dự báo một số yếu tố bất lợi đối với hoạt động thương mại đang mạnh dần lên, do đó, cần có các giải pháp ứng phó kịp thời để hỗ trợ hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, ngân hàng HSBC nhận xét, kể từ khi mở cửa trở lại, xuất khẩu của Việt Nam đã có tín hiệu rất tích cực.

Theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5%, tương ứng tăng 17,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù vậy, theo HSBC, những “cơn gió ngược chiều” cản trở thương mại đang mạnh dần làm dấy lên băn khoăn liệu xuất khẩu của Việt Nam có duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hay không.

Một mặt, nhu cầu trên thế giới dần dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Lấy ví dụ như ở Mỹ, khoảng cách chi tiêu giữa hàng hóa và dịch vụ đã bắt đầu thu hẹp khi chi tiêu cho dịch vụ tăng dần lên. Điều đó có tác động ngầm đến xuất khẩu bởi Mỹ vẫn luôn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004, đến nay đã chiếm tỷ trọng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Một điểm cần lưu ý khác là Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Nền tảng sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Khoảng 30% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực điện tử (30%) và thiết bị máy móc (22%). Vì vậy, tình trạng tắc nghẽn trong khâu vận chuyển ở Trung Quốc sẽ gây ra khó khăn và có thể cản trở tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam đang lấy được đà phục hồi song vẫn cần thận trọng với các rủi ro đối với việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ như hiện nay.

Theo đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục khiến giá nhập khẩu tăng lên. Bên cạnh đó, Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc, ba đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, được dự đoán đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong năm 2022, điều này có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, tác động của tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ thể hiện rõ hơn trong những tháng tới. “Điều này cho thấy đa dạng hóa đối tác thương mại sẽ là một cân nhắc chiến lược an toàn để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì”, WB kiến nghị.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát khiến chi phí đi vay tăng lên, nhu cầu hàng hóa - dịch vụ giảm; từ đó làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu, có thể làm giảm đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao.

Do đó, ông Lực khuyến nghị, cần theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất, kinh tế toàn cầu phục hồi yếu đi dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch với các chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất quán nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài, bao gồm việc tăng cường nội lực, khắc phục các điểm yếu, rào cản; gia tăng đệm phòng chống rủi ro.

Nhìn nhận các thách thức về gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động của biến động địa chính trị thế giới đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên họp thứ 11 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp.

Đó là, cập nhật, nghiên cứu kỹ, tổng thể tác động của các lệnh trừng phạt liên quan xung đột Nga - Ukraine, chính sách “zero” Covid của Trung Quốc tới kinh tế thế giới; kịp thời báo cáo, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để có phản ứng chính sách đúng lúc, hiệu quả.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, tránh làm gián đoạn hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Khuyến nghị và hướng dẫn doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác xuất khẩu và đầu tư để giảm thiểu tác động tiêu cực và bảo đảm ứng phó, thích ứng tốt với các biến động kinh tế thế giới. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng dầu…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư