Nhiều quyết sách lớn thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có lợi thế lớn về du lịch, công nghiệp khai khoáng và kinh tế cửa khẩu cùng nhiều nỗ lực trong cải cách thể chế, tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Lào Cai đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai về những định hướng, quyết sách lớn của địa phương để thu hút và “giữ chân” nhà đầu tư.
Lào Cai ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đối với Tỉnh nói riêng, vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung. Ảnh: Mạnh Dũng
Lào Cai ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đối với Tỉnh nói riêng, vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung. Ảnh: Mạnh Dũng

Công tác thu hút đầu tư là vấn đề mấu chốt quyết định tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Xin ông chia sẻ kết quả thu hút đầu tư của Lào Cai thời gian qua?

Trong những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động vốn cho đầu tư phát triển. Qua đó, Tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính như Sun Group, Alphanam, T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, Giáo dục Khôi Nguyên, Central Retail Việt Nam, Công ty TNHH Chính xác và Công nghiệp Daeji Hàn Quốc, Công ty CP KOSY... Giá trị các dự án đăng ký đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, thương mại, giáo dục, kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu... Năm 2022, Lào Cai cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 21 dự án trong nước với tổng vốn 5.927 tỷ đồng. Đến nay, có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 686 triệu USD, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ. Riêng đối với du lịch, Lào Cai đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn với tổng mức đầu tư đạt khoảng 50.000 tỷ đồng vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí cao cấp, trung tâm thương mại của các tập đoàn.

Ông Phan Trung Bá

Ông Phan Trung Bá

Lào Cai có lợi thế rất lớn về du lịch, công nghiệp khai khoáng và kinh tế cửa khẩu. Trong Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh chú trọng thực hiện những giải pháp gì để thu hút đầu tư vào 3 mũi nhọn này?

Để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực được xác định là “trụ cột” nền kinh tế, trong Quy hoạch, Lào Cai xác định rõ các giải pháp cần tập trung triển khai.

Một là, xác định rõ các ưu tiên thu hút đầu tư, gồm: (1) Trong lĩnh vực hạ tầng: các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics, kho vận, cảng cạn; dự án hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hạ tầng giao thông; hạ tầng thủy lợi cho vùng khó khăn về nước; hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn tại đô thị. (2) Trong lĩnh vực công nghiệp: thu hút các dự án đầu tư gồm tổ hợp đa ngành kỹ thuật - công nghệ liên quan tới khai thác, làm giàu, chế biến sâu khoáng sản; cơ khí chế tạo; năng lượng; chế biến nông sản, lâm sản; sản xuất thiết bị điện, điện tử; dược phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng và dệt may, da. (3) Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ: các dự án du lịch, resort cao cấp, khu vui chơi giải trí gắn với du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái; hạ tầng khu đô thị kết hợp du lịch, thương mại dịch vụ, đầu tư và kinh doanh khu logistics, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tại đô thị, cửa khẩu; lĩnh vực tài chính ngân hàng, thương mại điện tử.

Hai là, tập trung nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của Tỉnh.

Ba là, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn như các trục giao thông chính tại các đô thị, trục giao thông kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các vùng kinh tế động lực và các tuyến đường kết nối đến Cảng hàng không Sa Pa, khu kinh tế, khu du lịch và các khu vực có tiềm năng phát triển. Xây dựng cầu vượt sông Hồng, sông suối và đường giao thông đồng bộ; xây dựng đoạn tuyến đường sắt khổ lồng nối Ga Lào Cai (Việt Nam) - Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc). Hoàn thành xây dựng Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cấp 4C, định hướng là cảng hàng không quốc tế. Hình thành tuyến đường thủy nội địa trên sông Hồng từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi đạt cấp III, đồng bộ với các thủy điện và âu tàu trên sông Hồng; các dự án hạ tầng cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng xã hội cấp tỉnh, cấp huyện…

Bốn là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, duy trì ở thứ hạng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS. Triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã (DDCI) trên địa bàn Tỉnh.

Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối sẽ tham mưu UBND tỉnh Lào Cai triển khai các giải pháp nào để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư?

Để tạo sức bật trong thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai đẩy mạnh công tác thực thi quy hoạch, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công khai hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục giao đất, giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh một cửa liên thông, bảo đảm thuận lợi và chỉ tập trung tại một đầu mối, đẩy mạnh việc quảng bá về tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu UBND Tỉnh vận hành có hiệu quả cao Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao uy tín của địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Lào Cai.

Ông có thể chia sẻ về một số dự án lớn mà Lào Cai sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư, những chính sách đặc thù để hấp dẫn hơn nhà đầu tư?

Trong thời gian tới, Lào Cai lựa chọn hạ tầng giao thông là ưu tiên thu hút đầu tư. Chúng tôi ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh để thực hiện theo quy hoạch của Tỉnh và các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đối với Lào Cai, vùng trung du và miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, Tỉnh sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông - lâm - thủy sản, du lịch; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu...

Chuyên đề