Vùng đất “non xanh núi ngàn” làm giàu văn hóa để phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đặt chân đến Lào Cai - mảnh đất có vị thế địa mạo được ví như hình tượng Kim Quy (Rùa vàng), một trong tứ linh của văn hóa Việt, khó có ai không say lòng trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng truyền thống lịch sử hào hùng, bản sắc văn hóa đa dạng, nổi bật của đồng bào các dân tộc nơi đây…
Lào Cai là địa phương tiên phong trong cả nước về du lịch cộng đồng. Ảnh: Phạm Bằng
Lào Cai là địa phương tiên phong trong cả nước về du lịch cộng đồng. Ảnh: Phạm Bằng

Lào Cai là tỉnh đa dân tộc, giàu bản sắc văn hóa với 25 nhóm ngành dân tộc cùng sinh sống tạo nên một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Hiện toàn Tỉnh có 39 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 54 di tích danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia. Sự đa dạng văn hóa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện phương châm “biến di sản thành tài sản” bằng cách bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, di tích danh thắng gắn với phát triển du lịch, định vị thương hiệu du lịch dựa trên nền tảng khai thác văn hóa bản địa, di sản của cộng đồng.

Du lịch Lào Cai dẫn đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc về số lượng khách quốc tế và là 1 trong 5 trung tâm du lịch đón khách quốc tế lớn nhất miền Bắc, là địa phương tiên phong trong cả nước về du lịch cộng đồng với 457 cơ sở homestay. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa của Lào Cai đã trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế như: chợ phiên Bắc Hà; chợ tình Sa Pa; du lịch cộng đồng ở Sa Pa, Bắc Hà; du lịch về nguồn kết nối Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ; giải đua ngựa Bắc Hà; lễ hội bốn mùa; tour du lịch 2 quốc gia 6 điểm đến… Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tại Sa Pa được vinh danh là “Điểm du lịch văn hóa hấp dẫn hàng đầu Việt Nam” và châu Á. Ngày 20/3/2023, Khu du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2040, từng bước được quy hoạch chi tiết và đầu tư hoàn thiện.

Lào Cai đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Bitexco, Tổng công ty 36, Tập đoàn TNG, Tập đoàn CD Việt Nam, Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty CP Kosy... Trong đó, nhiều nhà đầu tư đã và đang tích cực đầu tư vào các khu, điểm du lịch, nâng tầm du lịch quốc tế cho Lào Cai.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đăng Thuận - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 36 cho biết, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Tổng công ty đã và đang triển khai một số dự án bất động sản tại huyện Bắc Hà và thị xã Sa Pa. Mảnh đất Lào Cai có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu. Môi trường kinh doanh khá thuận lợi, chính sách riêng của địa phương đối với doanh nghiệp cởi mở và có biên độ lợi nhuận dành cho nhà đầu tư tốt hơn nhiều địa phương khác. Đặc biệt, văn hóa bản địa của Lào Cai rất đa dạng với những giá trị đặc trưng cổ truyền, cộng với miền khí hậu “tuyệt vời, độc đáo” là những lợi thế nổi trội trong thu hút khách du lịch và nhà đầu tư.

Đến với Lào Cai, chị Bùi Kim Liên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, không gian khám phá du lịch nơi đây mang đậm nét đặc trưng, không chỉ có thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ, xứng tầm “non xanh núi ngàn” như: cổng trời Ô Quy Hồ, thung lũng Mường Hoa, núi Hàm Rồng, nhà thờ đá Sa Pa, thác Bạc…, mà còn có những sản phẩm tour du lịch gắn chặt với giá trị văn hóa cổ truyền như du lịch bản Cát Cát, làng Tả Phìn, chợ tình Bắc Hà rất thú vị và không đâu có. Vì thế, nhiều du khách định kỳ hàng năm lên Lào Cai nghỉ dưỡng, vui chơi.

Du lịch Lào Cai dẫn đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc về số lượng khách quốc tế và là 1 trong 5 trung tâm du lịch đón khách quốc tế lớn nhất miền Bắc, là địa phương tiên phong trong cả nước về du lịch cộng đồng với 457 cơ sở homestay. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa của Lào Cai đã trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Mặc dù đạt được những dấu ấn nổi bật trong phát triển văn hóa, du lịch, tạo nên thương hiệu và những giá trị cốt lõi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng tỉnh Lào Cai đánh giá, những kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đột phá về du lịch trong giai đoạn tới với mục tiêu đón khoảng 10 triệu lượt khách/năm, Lào Cai sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai gắn với phát triển du lịch bền vững. Trong nỗ lực này, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, thời gian tới, Lào Cai sẽ nâng cao vai trò của cộng đồng và cá nhân, sự quản lý của Nhà nước trong khai thác các giá trị văn hoá làm nguồn lực cho phát triển du lịch. Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp văn hoá. Đảm bảo sự cân bằng giữa bảo vệ và sử dụng văn hoá để phát triển du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng; đầu tư, khai thác các di sản văn hoá để xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng mang thương hiệu quốc gia và vươn tầm quốc tế. Tỉnh Lào Cai sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch cao cấp. Chú trọng đầu tư cho các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về văn hoá, thể thao gắn với du lịch. Ứng dụng hiệu quả những thành tựu đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 vào thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch. Tập trung tối đa nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn có năng lực, hiểu biết về văn hoá, du lịch để phát huy sức mạnh nội sinh, thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút cho du lịch Lào Cai, trong đó du lịch chính là cầu nối để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản, văn hóa của miền đất này với bạn bè trong và ngoài nước. Vì thế, Lào Cai coi văn hoá vừa là nền tảng, vừa là động lực, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới sau đại dịch Covid-19, tỉnh Lào Cai đang và sẽ tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy sức mạnh văn hóa, con người, tạo đà cho du lịch “cất cánh”, phát triển đột phá.

Chuyên đề