Nhiều nền tảng xuyên biên giới phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đóng thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Các nền tảng thông tin, mạng xã hội xuyên biên giới thường xảy ra những vấn đề đưa tin giả, tin sai tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu phạt đưa tin giả, tin sai theo doanh thu 4% thì Facebook sẽ bị phạt tới 1 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 6/11 về việc xử lý các tin giả, tin sai tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên nền tảng YouTube; trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi. Điểm đáng quan tâm là nhiều video xấu, độc vẫn tồn tại, việc đưa tin giả, tin sai chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới, mà chủ yếu là Facebook và YouTube.

Trong khi đó, Việt Nam là một nước có chủ quyền trên không gian mạng, do vậy các nền tảng nội dung xuyên biên giới buộc phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Về thể chế, Việt Nam đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Về công cụ quản lý đã nâng cấp Trung tâm Gniám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin. Đồng thời, chúng ta có đường dây nóng của cục, sở thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu, độc.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 6/11

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều ngày 6/11

Về thực thi pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với Facebook, YouTube về việc gỡ bỏ các thông tin xấu, độc của các nền tảng xuyên biên giới này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Bộ đã đạt được thỏa thuận với YouTube về tháo gỡ nội dung vi phạm pháp luật. Tỷ lệ chấp thuận tháo gỡ được tăng từ 50% các năm trước lên 90% thời gian gần đây.

“Mỗi tháng, YouTube đã phối hợp gỡ bỏ hàng nghìn video nội dung xấu, độc. Bộ Công an cũng phối hợp xử lý nhiều cá nhân, tổ chức sản xuất nội dung không phù hợp”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện video xấu, độc cần báo ngay qua đường dây nóng của bộ, Cục Phát thanh, truyền hình thông tin điện tử và các sở để xử lý. Thời gian tới, việc xử lý người đăng tải nội dung xấu, độc lên các trang mạng xã hội sẽ làm nghiêm.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện Google, Amazon, Facebook và Apple phát sinh hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đóng thuế. Nếu mức phạt đưa tin xấu, tin độc theo mức cố định sẽ không đáng là bao đối với các nền tảng này, vì thế cần phải đưa mức ra mức phạt dựa trên doanh thu. Nếu mức phạt là 4% doanh thu thì Facebook sẽ bị phạt 1 tỷ USD.

“Chúng tôi phấn đấu để YouTube chấp thuận gỡ bỏ 100% nội dung xấu, độc bị phản ánh. Ngoài ra, năm 2021, Bộ cùng các đơn vị sẽ phối hợp để phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Chuyên đề