Nhiều lỗ hổng trong quản lý thuế và hải quan

(BĐT) - Cải cách và hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế và hải quan đã góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã bắt đầu xuất hiện những kẽ hở trong cả khâu quản lý và hệ thống công nghệ thông tin, gây thiệt hại đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số lỗ hổng từ Hệ thống thông quan hàng hóa tự động và cơ chế một cửa quốc gia gây thất thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Nguyễn Quốc
Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số lỗ hổng từ Hệ thống thông quan hàng hóa tự động và cơ chế một cửa quốc gia gây thất thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Nguyễn Quốc

Hoàn thuế GTGT còn bất cập và bất nhất

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2018, một trong những chuyên đề quan trọng là kiểm toán việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của cơ quan thuế. Qua công tác này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện nhiều điểm hạn chế, từ đó đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc hoàn thuế GTGT.

Đại diện đơn vị thực hiện kiểm toán chuyên đề nêu trên, ông Mai Vinh - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán chuyên ngành 2 thuộc KTNN cho biết, trong những năm gần đây, công tác hoàn thuế GTGT đã có những điểm tiến bộ nhất định, song tình trạng gian lận và trốn lậu thuế vẫn còn phức tạp, đặc biệt trong khâu kê khai, khấu trừ và hoàn thuế GTGT.

Cụ thể, có tình trạng thực hiện hoàn thuế GTGT không đúng đối tượng, hoàn cho đối tượng không đủ điều kiện, hoàn thuế cho những hồ sơ có hóa đơn và chứng từ không hợp lệ, hoàn cho chi phí vượt định mức hoặc không phục vụ cho dự án đầu tư, hoàn thuế cho các dự án BOT không hình thành tài sản của nhà đầu tư.

Về ban hành cơ chế chính sách, đại diện KTNN chuyên ngành 2 cho hay, một số văn bản của ngành thuế chưa cụ thể, gây khó khăn cho các cục thuế và người nộp thuế trong quá trình thực hiện hoàn thuế. “Một số trả lời của Bộ Tài chính và ngành thuế về công tác hoàn thuế chưa thống nhất. Nhiều cơ chế chính sách hoàn thuế GTGT vẫn còn bất cập. Qua công tác kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 1.396 tỷ đồng, hủy bỏ 2 văn bản trái quy định, điều chỉnh bổ sung 5 văn bản, đồng thời, kiến nghị kiểm điểm rõ trách nhiệm của các đơn vị đối với từng sai phạm”, ông Mai Vinh nhấn mạnh.

Cũng trong năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán chuyên đề về hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý thu ngân sách nhà nước của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Qua đó, cơ quan này đã phát hiện một số thủ đoạn gian lận của doanh nghiệp trong công tác kê khai và nộp thuế xuất khẩu, một số “lỗ hổng” từ Hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS/VCIS) và cơ chế một cửa quốc gia.

Đại diện đơn vị thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề này, ông Phạm Thanh Sơn - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán chuyên ngành 7 thuộc KTNN cho biết một số kết quả đáng chú ý. Về việc tiếp cận các dữ liệu gốc của hệ thống công nghệ thông tin, xử lý được dữ liệu lớn được kiểm toán, tại Tổng cục Thuế, qua kiểm toán, cơ quan kiểm toán đã xử lý tài chính và thu nộp ngân sách nhà nước số tiền là hơn 37,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, KTNN cũng đã phát hiện lỗi hệ thống của Tổng cục Thuế. Cụ thể là không tiến hành phạt hành chính theo quy định các hành vi nộp tờ khai chậm phản ánh thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản nộp cổ tức và lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đầy đủ, chưa phù hợp. Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị Tổng cục Thuế rà soát các thông tin số liệu và thu nộp vào ngân sách nhà nước trên 380 tỷ đồng.

Lỗi hệ thống thông quan mở cửa cho máy móc cũ

Tại Tổng cục Hải quan, qua kiểm toán chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong thu ngân sách trong lĩnh vực hải quan, KTNN chuyên ngành 7 đã kiến nghị xử lý tài chính và tăng thu nộp ngân sách nhà nước tổng số tiền là hơn 570 tỷ đồng.

Mặt khác, đoàn kiểm toán cũng đã phát hiện một số trường hợp tính tiền chậm nộp chưa đúng quy định, qua rà soát, hệ thống có 54.212 bút toán chưa đúng và làm thất thu ngân sách nhà nước trên 70 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS/VCIS) và cơ chế một cửa quốc gia tự động phân luồng xanh cho 7.900 tờ khai dòng hàng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trái với quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

“Đây là lỗi mà hệ thống chưa chặn được và là một trong các nguyên nhân góp phần dẫn đến máy móc cũ tràn vào Việt Nam trong thời gian qua. KTNN chuyên ngành 7 cũng đã chỉ ra trong suốt 2 năm qua, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan không cảnh báo, cưỡng chế tự động đối với tờ khai của doanh nghiệp có nợ thuế vượt 90 ngày theo quy định”, ông Sơn nhấn mạnh.

Chuyên đề