Nhiều kênh đầu tư bấp bênh vì dịch Covid-19

(BĐT) - Các kênh đầu tư năm 2020 đang chịu tác động từ dịch Covid-19 và cả những thay đổi về chính sách. Tuy nhiên, giới chuyện gia cho rằng, khả năng kiểm soát dịch bệnh nhanh và hiệu quả sẽ giúp giới đầu tư lạc quan hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các thị trường vận hành hợp lý.
Bất động sản du lịch là phân khúc chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Bất động sản du lịch là phân khúc chịu tác động bất lợi từ dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho rằng, dịch bệnh đang diễn ra phần nào làm xáo trộn tâm lý của giới đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đang rất nỗ lực kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhiều khả năng dịch bệnh sẽ suy giảm trong quý II. Vì vậy, có thể hy vọng là hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ hồi phục trở lại từ quý II, từ đó thúc đẩy giới đầu tư kích hoạt các kế hoạch kinh doanh của họ.

Mặt khác, xét về vĩ mô, kinh tế Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện có một số dấu hiệu tích cực. Nhờ đó, tại 2 kỳ họp vừa rồi, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ không giảm lãi suất và tiếp tục kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định quyết tâm kiểm soát dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Tại Việt Nam, Chính phủ đang thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh mạnh mẽ. “Đây là những yếu tố cho thấy nên có cái nhìn lạc quan về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tín nói.

Với các kênh đầu tư trên thị trường Việt Nam, theo vị chuyên gia này, thị trường chứng khoán từng trải qua những phiên giao dịch chật vật, song cũng có những phiên khởi sắc. Trên thị trường vàng và ngoại tệ, giá vàng và USD có lúc tăng mạnh do giới đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn an toàn, nhưng không phải là biến động quá lớn. “Do đó, cần nhìn nhận các kênh đầu tư một cách cẩn trọng, trong ngắn hạn có biến động như vậy, song về dài hạn có thể kỳ vọng những diễn biến tích cực hơn”, ông Tín nhận định.

Về thị trường bất động sản, theo ông Tín, thị trường này đang có một số điểm bất lợi từ việc siết chặt nguồn vốn tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số dự án gặp trở ngại về pháp lý trong năm 2019 chưa chắc đã có thể triển khai trong năm 2020. Do đó, kênh đầu tư bất động sản có thể sẽ gặp khó trong năm nay.

Từ góc độ doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) đồng tình với quan điểm về việc thị trường bất động sản có thể gặp khó khăn do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt hơn, và việc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp khó do cơ quan chức năng đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp với những điểm chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành.

Theo vị Chủ tịch HOREA, cơ quan làm chính sách nên hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong việc cải thiện các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn.

“Các đề xuất sửa đổi Nghị định 163 của Bộ Tài chính đang theo hướng siết chặt và gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng các quy định chặt chẽ hơn về khối lượng phát hành, điều kiện phát hành. Theo tôi, nên nghiên cứu và xem xét thận trọng hơn. Có thể tăng cường kiểm soát thị trường bằng việc phát triển các công ty định mức tín nhiệm hoạt động một cách hiệu quả thay vì kiểm soát những yếu tố mang tính hành chính như vậy”, ông Châu nhấn mạnh.

Riêng với tác động từ dịch Covid-19, ông Châu cho rằng, trước mắt, bất động sản du lịch có thể chịu tác động, đồng thời, việc tổ chức các sự kiện khai trương dự án, triển lãm bất động sản đều phải tạm dừng.

Tuy nhiên, theo ông Châu, cũng cần nhìn nhận từ góc độ lạc quan với thị trường, khi các kênh đầu tư khác gặp khó khăn thì bất động sản vẫn có thể là một điểm cất giữ tiền an toàn hơn. Mặt khác, trong trường hợp kinh tế Trung Quốc chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh này thì dòng vốn đầu tư bất động sản công nghiệp, bất động sản văn phòng và nhà ở cho thuê có thể dịch chuyển sang Việt Nam.

“Cần nhớ rằng, Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng trong công tác kiểm soát dịch bệnh thời gian qua. Chúng ta đã thể hiện khả năng ứng phó rất tốt với dịch bệnh và khôi phục sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp rất tốt. Đồng thời, Chính phủ đang rất nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút giới đầu tư. Do đó, tôi có niềm tin và lạc quan là chúng ta sẽ có thể thu hút được vốn đầu tư sau dịch bệnh, và bất động sản là kênh đầu tư sẽ được chú ý”, ông Châu lý giải.

Chuyên đề